Kinh ngạc các thành phố lớn ở Trung Quốc cấm hoàn toàn xe máy xăng
Thứ năm - 17/07/2025 10:23540
Việc cấm sử dụng xe máy xăng và khuyến khích sử dụng xe máy điện tại các thành phố lớn của Trung Quốc là một phần của chiến lược lớn của chính phủ Trung Quốc nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch bảo vệ môi trường sống của người dân.
Ô tô điện có biển nhạt mầu xanh lá cây (ảnh Quốc Khánh)
Tham gia chuyến thăm Trung Quốc vào trung tuần tháng 7 năm 2025 do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Nghệ An thực hiện nằm trong kế hoạch tăng cường công tác đối ngoại, Ngoại giao nhân dân theo quy định của Đảng và Nhà nước. Chuyến công tác do ông Nguyễn Hồng Kỳ- Phó chủ tịch Thường trực Liên hiệp dẫn đầu, các thành viên đoàn vô cùng ấn tượng khi đặt chân đến các thành phố lớn như Bắc Kinh, Tô Châu, Hàng Châu và Thượng Hải đều không có bóng dáng xe máy chạy bằng nhiên liệu hóa thạch (xăng).
Ông Wang Ming (Vương Minh) chờ đèn đỏ ở thành phố Hàng Châu
Ông Wang Ming (Vương Minh) người đang chờ đèn đỏ ở thành phố Hàng Châu thấy đoàn Việt Nam đã ghé trò chuyện. Ông tỏ ra rất thân thiện, cởi mở khi tôi tò mò thấy thành phố này ở tất cả các tuyến đường chỉ rặt xe máy điện. Ông cho biết, ông đã sử dụng xe máy điện hơn chục năm nay vì ông ý thức dùng xe máy điện là một lựa chọn thân thiện với môi trường hơn so với xe máy xăng. Tại gia đình, ông đã lắp hệ thống năng lượng mặt trời, nên vấn đề điện không có vấn đề gì phải lo lắng. Ông Wang Ming tiết lộ thêm, việc cấm hoặc hạn chế sử dụng xe máy xăng và khuyến khích sử dụng xe máy điện tại Bắc Kinh được triển khai từ năm 1985 còn các thành phố Tô Châu, Hàng Châu, Thượng Hải thực hiện chính sách này từ năm 1998. Các ông biết đấy Hàng Châu Tô Châu và Thâm Quyến được biết đến là "thủ phủ xe đạp điện" của Trung Quốc từ năm 2002. Vừa nói, ông Wang Ming đưa tay chỉ vòng quanh các ngã tư, nơi nhiều người dừng đèn đỏ chờ tín hiệu giao thông. Tính đến nay, hơn 200 thành phố tại Trung Quốc đã thực hiện cấm toàn phần hoặc một phần xe máy chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Tôi tò mò, sao ông biết nhiều thông tin thế, thì ông bảo trước khi nghỉ hưu, ông làm việc tại Cơ quan quản lý giao thông địa phương. Ông chỉ người đồng hành là ông Zhang Jun (Trương Quân). Tiếp lời ông Wang Ming, ông Zhang Jun trước đây làm việc cùng cơ quan, nay nghỉ hưu, thỉnh thoảng ngày cuối tuần hai ông hẹn nhau cưỡi xe điện đi ngắm phố tránh cô đơn của tuổi già. Cà hai cho biết, nhà neo người vì ai cũng chỉ được đẻ một con, khi nó trưởng thành nó lo kiếm tiền nuôi vợ con nó nên giờ mình phải tìm bạn gia mà chơi... Cả hai ông cười hóm hỉnh. Ông Zhang Jun góp chuyện, bên cạnh xe máy thì ô tô điện cũng đang là hướng ưu thế ở Trung Quốc. Hiện tỷ lệ xe điện ở Trung Quốc đang ngày càng tăng cao, gần 50% xe mới bán ra ở Trung Quốc là xe điện trong khi đó ở Mỹ tỷ lệ này chỉ hơn 20%. Người tiêu dùng Trung Quốc tin tưởng xe điện giúp tiết kiệm chi phí vận hành và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Ô tô điện và hệ thống camera giao thông dày đặc (ảnh Quốc Khánh)
Để làm được điều đó, Chính phủ nỗ lực hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi sang xe điện bằng cách phát triển hệ thống trạm sạc và trợ giá, đầu tư vào việc xây dựng và nâng cấp hệ thống trạm sạc giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm và sử dụng dịch vụ sạc; ưu đãi miễn phí đăng ký, ưu tiên sử dụng làn đường riêng cho xe máy điện; tăng cường thực hiện các chương trình tuyên truyền và giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của xe máy điện và tầm quan trọng của bảo vệ môi trường cùng với xây dựng hệ thống truyền tải và phân phối điện đảm bảo cung cấp điện ổn định và tin cậy cho các trạm sạc; Hệ thống điện có thể tích hợp năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời hoặc gió để cung cấp cho các trạm sạc đảm bảo an toàn và bảo mật. Ở Trung Quốc, ô tô điện đang nhận được nhiều ưu ái và hỗ trợ từ chính phủ như miễn hoặc giảm thuế cho xe điện từ năm 2023; trợ cấp cho người dân mua xe điện, giúp giảm chi phí sở hữu và vận hành xe điện. Riêng trong quý I/2025, hơn 1,6 triệu người nhận trợ cấp đổi xe, với tổng ngân sách hỗ trợ vượt 1 tỷ nhân dân tệ; đầu tư xây dựng các trạm sạc trên khắp đất nước đủ trạm sạc cho 20 triệu xe điện trong năm 2025. Bên cạnh đó tại một số thành phố lớn ở Trung Quốc cấp biển số xe điện dễ dàng hơn so với xe xăng, giúp giảm chi phí và thủ tục hành chính cho người sở hữu xe điện. Những ưu ái này đã giúp Trung Quốc trở thành một trong những thị trường xe điện lớn nhất thế giới, với gần 50% xe mới bán ra trong năm 2024 là xe điện.
Người nhặt rác và "rình" rác ở khắp nơi (ảnh Quốc Khánh)
Xe máy điện, cây xanh, hồ nước là điều dễ nhận thấy (ảnh Quốc Khánh)
Các thành viên đoàn công tác của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Nghệ An sau khi thăm Trung Quốc đều cảm phục trước thành quả mà Trung Quốc đạt được. Ông Nguyễn Đăng Tuệ, Hội hữu nghị Việt -Trung bộc bạch, hơn 40 năm ông mới trở lại sau khi tốt nghiệp một trường kỹ thuật tại Trung Quốc, ông nhận thấy đất nước này đổi thay thật vĩ đại. Đi đâu cũng thấy cây xanh và hồ nước, nghĩa là môi trường được quản lí rất chặt. Ông quan sát thấy rằng hệ thống camera giám sát giao thông và an ninh ở Trung Quốc dày đặc, được đánh giá là những hệ thống lớn nhất và tiên tiến nhất trên thế giới, với hơn 200 triệu camera giám sát, bao gồm cả camera giao thông và an ninh. Còn ông Lê Đức Thuyết, Hội hữu nghị Việt- Pháp bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, yêu cầu Hà Nội nghiên cứu và đề xuất phương án loại bỏ xe máy chạy xăng trong vành đai 1. Cụ thể, từ ngày 1/7/2026, không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong vành đai 1. Tiếp đó, từ ngày 1/1/2028, sẽ không có xe mô tô, xe gắn máy và hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1 và Vành đai 2 với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội. Việc Trung Quốc cấm hoặc hạn chế sử dụng xe máy xăng và khuyến khích sử dụng xe máy điện với mục tiêu là bảo vệ môi trường; cải thiện chất lượng không khí; tăng cường an toàn giao thông; khuyến khích công nghệ xanh tạo tiền đề cho tương lai.