Trở lại Xứ Lào dấu yêu

Thứ hai - 27/01/2025 06:05 196 0
Hành trình hơn 400 cây số từ thành phố Vinh đến thị xã Phonesavanh, thủ phủ tỉnh Xiengkhoang trên chặng đường xuống cấp trầm trọng do hàng trăm xe ô tô tải quá khổ vận chuyển quặng liên tục nhiều năm qua nhưng các thành viên trong đoàn vẫn vui tươi phấn khởi và không có biểu hiện của mệt mỏi, tuổi cao.
Trở lại Xứ Lào dấu yêu
 

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Liên quân Lào Việt thị xã Phone Sanh

“Đây là chuỗi các hoạt động kỉ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2024); 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 / 22-12-2024) và hướng tới kỉ niệm các ngày lễ lớn của Lào năm 2025” Ông Vương Bình Minh-Trưởng Ban liên lạc CCB Mặt trận 379 Bắc Lào tỉnh Nghệ An cho biết.
Chuyến đi có 28 thành viên, có mặt tại tỉnh Xiengkhoang vào tối ngày 28/12/2024.

Giữa trung tâm thị xã Phonsavan, một thị xã đã thay da đổi thịt đang từng ngày phát triển và đổi mới, đứng nơi đâu chúng tôi cũng nhìn thấy tượng đài chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam sừng sững vì được nước bạn xây dựng trên đồi cao. Tượng đài rực rỡ thếp vàng càng rực sáng khi nắng lên, điểm tô thêm vẻ đẹp cho thị xã cao nguyên này và gợi nhớ cho du khách về một thời oanh liệt. Đoàn dâng hương Đài tưởng niệm liệt sĩ Việt Lào tại thị xã Phonesavanh
Nơi này, mỗi khi có các đoàn công tác Việt Nam hoặc Ngày Quốc khánh nước CHDCND Lào thì lãnh đạo chính quyền tỉnh Xiengkhuang và các địa phương trong tỉnh đều đến đây dâng hương, dâng hoa dưới chân tượng đài. Đặc biệt, mỗi năm hai lần, khi tỉnh Xiengkhuang tổ chức bàn giao, tiễn đưa hàng trăm hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các cuộc kháng chiến trước đây về với đất mẹ thì dưới chân tượng đài này là lễ dâng hương, hoa với lễ nghi trang trọng nhất theo phong tục Lào và Việt Nam.
Tại tỉnh Xiengkhoang, làm việc và giao lưu cùng Hội CCB tỉnh Xiengkhoang, đoàn đã tặng 5 triệu kip (Lào) cho CCB Lào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Thăm và dâng hương liệt sĩ mới được quy tập tại Lào, đang được Đội quy tập tỉnh Nghệ An lưu giữ chờ dịp đưa các anh về đất mẹ. Nghe thông tin về hoạt động của Đội quy tập liệt sĩ tỉnh Nghệ An
CCB Vương Bình Minh, Trưởng Ban liên lạc CCB Mặt trận 379 Bắc Lào và CCB Sengphet- Chủ tịch Hội CCB tỉnh Xiengkhoang cho rằng đây là chuyến về nguồn, về thăm lại những người thân trong gia đình Việt Lào. Nhiều CCB hơn 40 năm nay mới được trở lại thăm đất Lào nên lúc nào cũng trong tâm trạng bùi ngùi xúc động. Trong đoàn hành hương, có CCB từng có hơn chục năm đầu quân trong Đoàn quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam giúp Lào tại các tỉnh Xiengkhoang, Xaysomboun và Vientiane, nhưng nay không còn nhận ra những con đường quen thuộc bởi thì xã Phonesavanh đã có những đổi thay vượt bậc, mang nét đặc trưng pha lẫn hiện đại.
Thăm Phu Cút – “Núi thép, núi kim cương” lừng danh với Chiến dịch kéo dài giằng co giữa ta và địch vào năm 1966, minh chứng liên minh chiến đấu Lào Việt những năm tháng gian khó nhất của quân đội hai nước nhưng với tinh thần cọng rau sẻ nửa, hạt gạo cắn đôi, quân và dân Lào đã sát cánh quân tình nguyện Việt Nam lập nhiều chiến công hiển hách.
Xiêng khoảng nổi tiếng xứ Lào bởi Cánh đồng chum, địa danh có hàng ngàn cái chum đá, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, di sản thứ 3 của Lào sau cố đô Luangprabang và quần thể chùa đá Vatphu, tỉnh Champasak;
Đến nay, nguồn gốc của cánh đồng chum cổ trên cao nguyên Xiêng Khoảng vẫn chưa có lời giải đáp. Chỉ biết những chiếc chum cổ thạch với đủ hình dáng, kích thước nơi đây đã tồn tại hàng ngàn năm và là chiếc chìa khóa dẫn đến một nền văn hóa đặc sắc nào đó vượt xa tầm hiểu biết của con người.
Có rất nhiều câu chuyện xoay quanh cánh đồng chum cổ Bắc Lào. Điển hình như huyền thoại kể rằng vùng đất này từng là nơi sinh sống của người khổng lồ. Chum đá mà chúng ta tìm thấy chính là vật dụng quen thuộc của họ. Hay truyền thuyết về vị vua thời cổ đại tên Khun Cheung, sau khi giành thắng lợi trong cuộc chiến với quân xâm lược đã cho làm những chiếc chum lớn để ủ men nấu rượu ăn mừng.

Trong thời kỳ chiến tranh kéo dài từ năm 1964 - 1973, không quân Mỹ đã rải xuống khu vực cánh đồng chum cả triệu tấn bom đạn, biến nơi đây thành tử địa. Cũng do chiến tranh liên miên mà cánh đồng này đã bị quên lãng trong thời gian dài. Đến năm 1989, khi đất nước mở cửa, đón khách du lịch trở lại thì nơi đây mới có hình bóng của con người. Tuy thế, để có một điểm tham quan nổi tiếng như ngày nay, ban quản lý đã phải đầu tư thời gian và công sức để rà soát gỡ bỏ bom mìn, trả lại cho nơi đây vẻ đẹp yên bình, toàn vẹn nhất.



Tỉnh trưởng Vientiane, ông Phankham Sitthidampha nồng nhiệt đón đoàn

Tại tỉnh Vientiane, đây là tỉnh cùng tên với thủ đô Vientiae, cách thủ đô Vientiane 70 cây số, đoàn đã được sự đón tiếp nồng nhiệt, thân tình cởi mở của Tỉnh trưởng Vientiane, ông Phankham Sitthidampha;  Tỉnh trưởng Vientiane đánh giá cao hoạt động của CCB 2 tỉnh góp phần gìn giữ vun đắp mối quan hệ vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt, thủy chung của hai nước Việt Nam và Lào, mối quan hệ hiếm có trên thế giới. Tỉnh trưởng Vientiane cho rằng, đất nước Lào có nhiều đổi thay như ngày hôm nay là nhờ công lao của các CCB Việt Nam và Lào. Hai nước chúng ta đều chung một cội nguồn của đảng. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về lý luận, đường lối và lực lượng lãnh đạo phong trào đấu tranh vì độc lập, tự do và phát triển của dân tộc Việt Nam, cũng như của nhân dân các dân tộc Lào; đồng thời, mở ra một thời kỳ mới, một sự chuyển biến về chất trong mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam và Lào.  Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đều ra đời từ Đảng Cộng sản Đông dương. Với chính cương cách mạng và khoa học, chứa đựng tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, thấm đượm tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ biện chứng giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, đã tạo ra một xung lực mới cho mối quan hệ của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào trên con đường đoàn kết đấu tranh, hòa bình và gắn kết chặt chẽ với phong trào cách mạng thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là “kiến trúc sư” vĩ đại của tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam Lào. Mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung, trong sáng giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong đặt nền móng, dày công vun đắp đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào trong tiến trình lịch sử, đã trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc và là quy luật phát triển chung của hai nước trên con đường phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
“Người Lào có câu ngạn ngữ, “Ăn cơm thì phải nhớ ruộng, ăn cá nhớ sông, uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây...” Công ơn của CCB chúng ta đã rõ, vì vậy các thế hệ hai nước phải cùng nhau gìn giữ và phát huy. Có lớp người đi trước mới có hôm nay, có ngày hôm nay mới có tương lai”. Tỉnh trưởng Vientiane, ông Khamphane Sitthdampha nhấn mạnh.

Đoàn đã hội đàm, giao lưu với Hội CCB tỉnh Vientiane; tặng 5 triệu kíp cho CCB Lào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hai bên luôn khẳng định công lao to lớn của các CCB hai nước, thế hệ đi trước đã cống hiến, hi sinh để thế hệ hôm nay được sống trong nền độc lập tự do, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Đoàn trân trọng cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu, thân thiết chí tình của phía Bạn.
CCB tỉnh Vientiane còn dẫn đoàn dâng hương liệt sĩ Việt Lào Bản Kon thuộc huyện Toulakhom, Khu tưởng niệm liệt sĩ Ban kon cách Thủ đô Vientiane 70 km, là địa điểm giặc Pháp đã chôn tập thể 26 chiến sĩ liên quân Việt - Lào hy sinh năm 1946.
Tại địa điểm này, Trung ương Hội Cựu chiến binh Lào phối hợp với Tổng Hội người Việt Nam tại Lào và chính quyền tỉnh Vientiane xây dựng đài tưởng niệm liệt sĩ trong một khuôn viên rộng hơn 3.000 m2.
Bên trong có bia đá ghi tên 11 liệt sĩ, gồm 2 liệt sĩ Lào, 8 liệt sĩ Việt Nam và một tình nguyện viên người Nhật Bản; được xây dựng giao thoa kiến trúc Việt - Lào, vừa có hình rồng sơn thếp vàng bốn phía, mái hình lọng che trên bốn cột. Chính giữa là bia đá đen khắc tên các liệt sĩ bằng chữ màu vàng theo danh bia truyền thống Việt Nam cùng hai lá cờ Tổ quốc hai nước Việt Nam và Lào. Tỉnh trưởng Vientiane, Phankham Sitthidampha cho biết hàng năm, tại khu tưởng niệm liệt sĩ Bankon thường diễn ra Lễ hội uống nước nhớ nguồn với nhiều hoạt động lễ nghi truyền thống của dân tộc Lào, ghi nhớ công ơn các liệt sĩ Việt Nam và Lào đã hy sinh vif nền độc lập tự do của hai dân tộc Lào Việt.

Hội CCB tỉnh Vientiane còn dẫn đoàn thăm thị xã du lịch nổi tiếng Vangvieng, nơi được Tạp chí Forbes của Mỹ ca ngợi nơi đây với “mảng hấp dẫn về các điểm du lịch văn hóa, trải nghiệm ngoài trời và sự quyến rũ vượt thời gian”, Vangvieng vẫn giữ được vẻ nguyên sơ với phần lớn không bị ảnh hưởng bởi sự thương mại hóa.



Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Tâm đánh giá cao chuyến thăm Lào của đoàn CCB MT 379



Tặng quà cho bà con Việt kiều Câu lạc bộ đồng hương Xiengkhoang

Tại thủ đô Vientiane, đoàn CCB Mặt trận 379 đã đón Giao thừa 2025 tại công viên Patouxay cùng đông đảo người dân Lào; đến “Xông đất” Đại sứ quán Việt Nam tại Lào được Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Tâm nồng nhiệt đón tiếp. Đại sứ đánh giá cao chuyến thăm Lào của CCB Mặt trận 379 Bắc Lào, góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống đoàn kết hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào; giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hai nước trong công cuộc xây dựng hai đất nước ngày càng phát triển xứng tầm trong khu vực và quốc tế.
Cùng ngày, tối 1/1/2025, đoàn CCB Mặt trận 379 Bắc Lào đã giao lưu với bà con Việt kiều Câu lạc bộ đồng hương Xiengkhoang, bà con là thế hệ lớn lên trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, sinh ra tại tỉnh Xiengkhoang, sau khi Lào giải phóng năm 1975 và tuyên bố thành lập nước CHDCND Lào, bà con đã về sinh sống tại thủ đô Vientiane và mang quốc tịch Lào. Bà con đã lập nên Câu lạc bộ hơn 20 năm, để cùng giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, chấp hành tốt chủ trương chính sách của nước sở tại, giữ gìn truyền thống và văn hóa Việt. Bà con luôn tự hào mình là con lạc cháu hồng. Hằng năm bà con kiều bào tại Lào vẫn thường tổ chức giỗ vọng Lễ giỗ tổ Hùng Vương để nhắc nhở con cháu về cội nguồn dân tộc và truyền thống cha ông.
Trên đường hành hương về Trung Lào, đoàn đã gặp gỡ tiếp xúc với Hội CCB tỉnh Bolikhamxay và Hội CCB tỉnh Khammuan.
Thăm và dâng hương liệt sĩ mới được quy tập tại Lào, đang được Đội quy tập tỉnh Hà Tĩnh đóng tại thị xã Paksan, tỉnh Bolikhamxay, lưu giữ chờ dịp đưa các anh về đất mẹ.
Tại các cuộc giao lưu, hai bên đã trao đổi kinh nghiệm hoạt động của hội CCB, thông báo cho nhau tình hình kinh tế xã hội của mỗi địa phương và tặng 5 triệu kip cho CCB Lào có hoàn cảnh khó khăn; Hai bên luôn khẳng định công lao to lớn của các CCB hai nước, thế hệ đi trước đã cống hiến, hi sinh để thế hệ hôm nay được sống trong nền độc lập tự do, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Hoạt động của CCB góp phần gìn giữ vun đắp mối quan hệ vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt, thủy chung của hai nước Việt Nam và Lào, mối quan hệ hiếm có trên thế giới. Đoàn CCB Mặt trận 379 Bắc Lào trân trọng sự đón tiếp nồng hậu của phía Bạn.
Tại thị xã Thà khek, đoàn thăm nơi giặc Pháp chôn sống hàng trăm dân thường, phụ nữ và trẻ em ở thị xã Thakhek vào năm 1946; Dâng hương khu tưởng niệm Chủ tịch Souphanouvong -  ông sinh ngày 13.7.1909 tại Luang Prabang, là con của Phó vương Bun Khong và thứ phi Kham Ouane. Thời niên thiếu, Hoàng thân Souphanouvong theo học tiểu học ở quê nhà. Năm 11  tuổi, ông đã rời Luang Prabang sang học tại Hà Nội sau đó đi học tại Pháp. Ông tốt nghiệp Khoa Cầu đường và Khoa Xây dựng các công trình dân sự tại Paris năm 1934. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Hoàng thân Souphanouvong là người được Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp thân thiết như người nhà và cùng nhau bàn bạc công tác kháng chiến chống thực dân. Cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng xây dựng mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam Lào, lãnh đạo đất nước đi đến thắng lợi hoàn toàn lập nên nước CHDCND Lào.



Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu tưởng niệm Bác Hồ ở Thái Lan

Đặc biệt trong chuyến hành hương thăm Xứ Lào, đoàn CCB Mặt trận 379 đã được Hội CCB tỉnh Khammuan và Sở Ngoại vụ tỉnh Khammuan tạo điều kiện cho đoàn thăm và dâng hương Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở bản Nachok, tỉnh Nakhonphanom, Thái Lan. Khu tưởng niệm được nâng cấp thành khu di tích lịch sử về Bác Hồ ở Thái Lan, được khánh thành vào dịp kỷ niệm 126 năm ngày sinh của Người - 19/5/2016. Đây cũng được coi như một biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam – Thái Lan.
Khu di tích gồm các hạng mục chính: nhà thờ tưởng niệm Bác được xây theo kiến trúc Việt Nam, núi nhân tạo, hồ nước thả cá, trồng sen, gian trưng bày hiện vật tranh ảnh liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đến nơi này ai cũng có cảm giác như đang ở quê nhà Việt Nam.
Tại Nakhon Phanom, Bác Hồ đã xây dựng phong trào quan trọng của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Ông Vũ Đình Phú, Tiến sĩ Đại học Nakhonphnom, Phó Ban Quản lý Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội người Thái gốc Việt tỉnh Nakhon Phanom, trình bày tóm tắt về lịch sử những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống, làm việc tại Thái Lan, trong đó có tỉnh Nakhon Phanom vào những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ trước, cũng như quá trình xây dựng, gìn giữ, bảo tồn và phát triển Khu di tích.
Ông Vũ Đình Phú khẳng định Khu di tích là nơi tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh được coi là biểu tượng của ngoại giao, văn hóa và lịch sử quan hệ hợp tác giữa Thái Lan và Việt Nam nơi đây còn là niềm tự hào về cộng đồng người Thái gốc Việt tỉnh Nakhon Phanom cùng những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và là cầu nối gắn kết tình hữu nghị giữa Thái Lan và Việt Nam.



Ông Vương Bình Minh thay mặt đoàn ghi sổ lưu niệm Khu tưởng niệm Bác Hồ tại Thái Lan

Làng Na Chok còn lưu giữ những hiện vật, dấu tích, những gốc cây do chính tay Bác trồng cũng như những ký ức, hình ảnh đẹp bình dị về Bác.

Vẫn còn khu vườn và ngôi nhà của ông Võ Trọng Tiêu, nguyên quán huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An, chủ của ngôi nhà Bác Hồ từng ở vào khoảng những năm 1927-1928. Ông kể, hồi đó Kẻ địch thường lợi dụng chính quyền sở tại để trấn áp phong trào hoạt động cách mạng bí mật của Việt kiều yêu nước hướng về tổ quốc. Thầu Chin từ Trung Quốc sang Thái lan gây dựng mầm cách mạng để chờ thời cơ tung lực lượng về nước và chỉ đạo phong trào cách mạng toàn Đông Dương, nên bà con thân mật gọi Bác là “Chàng Trung Quốc” (Thầu Chin). Ở Thái lan,  người dân lúc đó chỉ biết Bác Hồ là “Thầu Chin” có nhân cách mẫu mực, sống tình cảm, giầu lòng nhân ái. Thẩu Chin vận động nhân dân khai hoang phục hoá mở mang bản mường, không ở chật chội mất vệ sinh. Vì thế, Bản Na Chok tách thêm một bản mới, gọi là Bản Mảy (Mới). Hiện trong vườn nhà ông Võ Trọng Tiêu còn giữ nhiều cây quý do Bác Hồ trồng, nhất là cây khế nay đã sum suê cành lá nhưng vẫn cho nhiều quả ngọt.
Nơi này đã thành điểm đến của du khách thập phương và bà con Việt kiều toàn Thái Lan đến thắp hương tưởng nhớ Người trong những dịp lễ, tết, đặc biệt.



Nơi đây còn giữ nhiều cây quý do Bác Hồ trồng, nhất là cây khế nay đã sum suê cành lá luôn cho nhiều quả ngọt

Chuyến hành hương xứ Lào của đồng đội CCB Mặt trận 379 là ấn tượng khó quên đối với những người lính đã gác súng trở về với đời thường. Những chuyến đi như thế này như liều thuốc tiên xích lại gần nhau hơn tình cảm những người lính không bao giờ thấy xa nhau lúc xung trận cũng như trong hòa bình hay trong khó khăn, như 12 điều kỉ luật quân đội đã thấm vào máu thịt của mỗi người lính. Chuyến đi đọng lại bao cảm xúc để mỗi thành viên trong đoàn vui đón Xuân Ất tỵ thêm ấm muôn nhà.

Quốc Khánh

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

ứng dụng khcn
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập55
  • Hôm nay3,645
  • Tháng hiện tại3,796
  • Tổng lượt truy cập1,183,097
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây