Việt Nam vô cùng thương tiếc đồng chí, Khamtay Siphandone

Thứ bảy - 05/04/2025 06:40 34 0
Đồng chí Khamtay Siphandone, nguyên Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng, nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ quốc phòng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; sinh ngày 8/2/1924;  đã từ trần hồi 10h30 ngày 2/4/2025, hưởng thọ 101 tuổi.
Việt Nam vô cùng thương tiếc đồng chí, Khamtay Siphandone


Ngay khi được tin đồng chí Khamtay Siphandone từ trần, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dẫn đầu đoàn cấp cao của Đảng và Nhà nước ta sang viếng nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone, tại Lào.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng có các cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone.
Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ đau xót trước sự ra đi của đồng chí Khamtay Siphandone và gửi tới các đồng chí lãnh đạo cấp cao Lào, toàn thể nhân dân Lào và gia quyến đồng chí Khamtay Siphandone lời chia buồn sâu sắc nhất. Tổng Bí thư Tô Lâm thông báo để tri ân sự đóng góp của đồng chí Khamtay Siphandone cho sự phát triển mối quan hệ gắn bó, bền chặt Việt Nam - Lào, Đảng, Nhà nước Việt Nam quyết định tổ chức quốc tang.
Các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Lào chân thành cảm ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã chia buồn về việc đồng chí Khamtay Siphandone từ trần, bày tỏ xúc động trước việc Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn đầu đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới dự lễ viếng và Việt Nam quyết định tổ chức quốc tang cho đồng chí Khamtay Siphandone, thể hiện mối quan hệ truyền thống vĩ đại và tình đoàn kết đặc biệt, thủy chung gắn bó giữa hai nước cũng như tình cảm cá nhân của Tổng Bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo Việt Nam.
Đồng chí mất đi là một tổn thất vô cùng to lớn đối đất nước Lào và quan hệ Việt Nam-Lào.
Đồng chí Khamtay Siphandone là một trong những nhà lãnh đạo tiên phong trong công cuộc gây dựng con đường cách mạng của Lào. Đồng chí đã cùng các bậc tiền bối cách mạng Lào tổ chức, lãnh đạo phong trào cách mạng và giành được những thắng lợi liên tiếp, đưa Cách mạng Lào đến ngày toàn thắng, từng bước đưa đất nước Lào vững bước tiến lên mục tiêu Chủ nghĩa xã hội. Đồng chí là người bạn vô cùng gần gũi, thân thiết của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, luôn quan tâm và có nhiều công lao to lớn, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào trong suốt thời gian qua.
Để tỏ lòng thương tiếc đồng chí Khamtay Siphandone và xuất phát từ quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định để tang đồng chí Khamtay Siphandone theo nghi thức Quốc tang trong 2 ngày, từ 4 đến 5/4/2025.

Trong thời gian này, các cơ quan, công sở trong phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài treo cờ rủ, có dải băng tang như quy định; không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng.



Dịp này, các đoàn do Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến viếng và ghi sổ tang tưởng niệm cố Chủ tịch nước Lào Khamtai Siphandone tại Đại sứ quán Lào ở Hà Nội.

Sau lễ viếng, Chủ tịch nước Lương Cường đã xúc động ghi vào sổ tang: "Vô cùng thương tiếc đồng chí Khamtai Siphandone, nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, nhà lãnh đạo xuất sắc, người con ưu tú của nhân dân các dân tộc Lào, người chiến sĩ cách mạng kiên trung suốt đời hy sinh phấn đấu vì độc lập tự do, hạnh phúc của nhân dân và sự phát triển phồn vinh của đất nước Lào".

Tóm tắt tiểu sử của đồng chí Đại tướng Khamtay Siphandone




Đồng chí Đại Tướng Khamtay Siphandone sinh ngày 8 tháng 2 năm 1924 tại làng Huakhong Phayai, huyện Meung Khong, tỉnh Sithandone (nay là tỉnh Champasak), trong gia đình có 6 anh chị em, xuất thân từ gia đình trung nông.

Năm 7 tuổi, ông đến thủ đô Vientiane cùng ông bà nội theo học tiểu học. Sau đó, ông thi đỗ vào trường College PAVIE, trường trung học duy nhất tại Lào lúc bấy giờ. Cuối năm 1941, ông nghỉ học và thi tuyển vào làm việc trong ngành bưu chính rồi sang học 2 năm tại Sài Gòn (miền Nam Việt Nam, nay là Thành phố Hồ Chí Minh).
Năm 1944,  đồng chí Khamtay Siphandone thi tuyển vào đơn vị thông tin và đóng quân tại tỉnh Phongsaly (Bắc Lào).
Năm 1946, đồng chí Khamtay Siphandone  về làm Trưởng bưu điện huyện Pakse, tỉnh Champasak (tỉnh quê hương ông).
Năm 1947-1948, ông là sĩ quan quân đội đóng tại Bộ tư lệnh Miền Nam giáp biên giới Lào-Thái Lan.
Từ năm 1948 đến năm 1950, ông là đại diện của Chính phủ độc lập Lào ở miền Nam và chịu trách nhiệm thành lập các căn cứ cách mạng ở miền Nam.
Từ năm 1950 đến năm 1952, ông là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Độc lập Lào.
Từ năm 1952 đến năm 1955, ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban khu vực, đồng thời phụ trách công tác quân sự Khu Miền trung.
Năm 1953, ông  được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
1955-1956, ông là Tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân Lào.
Từ năm 1957 đến năm 1959, đồng chí là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Từ năm 1959 đến năm 1960, đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách công tác tuyên truyền, huấn luyện và phát thanh tại Đài Phát thanh Trung ương Đảng (phía cách mạng Lào).
Năm 1960-1961, đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng tư lệnh tối cao Quân đội Giải phóng Nhân dân Lào.
Năm 1972, tại Đại hội Đảng lần thứ II, đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Tư lệnh Quân đội Giải phóng Nhân dân Lào.
Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội Giải phóng Nhân dân Lào.
Năm 1982-1986, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Lào.
Năm 1986-1991, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, đồng chí được bầu lại làm Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng thời giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Lào.
Năm 1991, tại Đại hội Đảng lần thứ V, đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Lào.
Ngày 15 tháng 8 năm 1991, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa II ông được bầu làm Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào.
Ngày 24/11/1992, tại Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Thủ tướng Chính phủ CHDCND Lào.
Năm 1996, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Năm 1998, đồng chí được bầu làm Chủ tịch nước CHDCND Lào.
Năm 2001-2006, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, kiêm Chủ tịch nước CHDCND Lào.
Năm 2006, đồng chí được nghỉ hưu theo chế độ.




Đoàn đại biểu tỉnh Champasak quê hương cúng dường tưởng nhớ ông tại thủ đô Vientiane

Đồng chí tướng Khamtay Siphandone là một nhà cách mạng lỗi lạc của CHDCND Lào, đã có những đóng góp to lớn và toàn diện vào việc tổ chức, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân Lào. Đồng chí Đại Tướng Khamtay Siphandone là một nhà chiến lược có tầm nhìn chính trị và quân sự rộng lớn, có khả năng đánh giá và dự đoán diễn biến của tình hình để xử lí đúng đắn, hiệu quả. Đồng chí là người thân cận và gần gũi nhất của Chủ tịch Kaysone Phomvihane và luôn sát cánh cùng các nhà lãnh đạo đảng và nhà nước Lào trong việc nghiên cứu và xác định đường lối, chính sách, chiến lược, chiến thuật cách mạng đúng đắn cho cách mạng Lào trong từng thời kỳ.

Vì những công lao đóng góp của đồng chí Đại tướng Khamtay Siphandone, đã được Đảng và Nhà nước Lào đã tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý  cũng như các Huân Huy chương của các quốc gia bạn bè trao tặng.

Quốc Khánh (Tổng hợp)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

ứng dụng khcn
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay2,043
  • Tháng hiện tại20,135
  • Tổng lượt truy cập1,199,436
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây