Nghệ An: Hội ngộ đầy ấn tượng của những người lính từng chiến đấu ở chiến trường Lào

Chủ nhật - 10/12/2023 21:33 119 0
Nghệ An: Hội ngộ đầy ấn tượng của những người lính từng chiến đấu ở chiến trường Lào
Sáng 9/12, tại xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, Ban liên lạc Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự  (BLLQTN&CGQS) giúp Lào huyện Hưng Nguyên tổ chức Đại hội lần thứ nhất, bầu ra Ban chấp hành gồm 15 vị; CCB Lê Hồng Chất (SN 1949) được bầu làm Trưởng Ban Nhiệm kì 2023-2028.

BLLQTN&CGQS huyện Hưng Nguyên gồm 15 Ủy viên Ban chấp hành
CCB Lê Hồng Chất cho biết, Hưng Nguyên là mảnh đất địa linh nhân kiệt, là cái nôi cách mạng đã sản sinh các nhà chí sĩ yêu nước, những nhà cách mạng tiền bối như Lê Hồng Phong, Đại tướng Chu Huy Mân; nơi đây cũng là quê hương phong trào Xô Viết- Nghệ Tĩnh 1930-1931. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng vạn con em Hưng Nguyên đã lên đường tòng quân đánh đuổi quân xâm lược, giải phóng và xây dựng đất nước. Bên cạnh đó, Hưng Nguyên còn có hàng ngàn cán bộ chiến sĩ tham gia làm nghĩa vụ quốc tế cao cả tại CHDCND Lào. Trong đoàn đại biểu có mặt hôm nay, đại đa số CCB là những người cao tuổi nhưng tâm khảm của họ luôn khao khát được trở về với những kỉ niệm, quá khứ bằng những tâm tình, nhiệt huyết hào sảng, một thời máu lửa, không sơ hi sinh; cùng chung lưng đấu cật, “cọng rau sẻ nửa, hạt gạo cắn đôi” với quân đội và nhân dân Lào anh em. Những người lính già cảm thấy mình nhanh nhảu sáng láng mạnh khỏe hơn khi hỏi nhau: Ông ở đơn vị nào, tiểu đội trinh sát hay khẩu đội pháo; Cụ có nhớ trận tập kích vào sân bay Xiengkhuang không? Những trận Nambak, Meungsui; đường Chín- Nam Lào; Phoucuts, Meungmok, Khangkhay, hay sân bay đồng chum? Tất cả hiện về cùng những đồng đội như mới hôm qua.
Các đại biểu tham dự Đại hội Nhiệm kì 2023-2028
CCB Lê Hồng Chất bộc bạch, bản thân ông thuộc đơn vị 271 Quân khu 4, chiến đấu trên mặt trận Bolikhamxay và Xiengkhuang những năm 1969-1970, chúng tôi  giành dật nhau từng mỏm đá gốc cây với quân thù. Nhiều đồng đội tôi nằm lại, có người đã tìm được hài cốt nhưng cũng còn rất nhiều người đang nằm lại trên những cánh rừng Lào. Mục đích của cuộc hội ngộ này để những người lính già chúng tôi nhớ về nhau, nhằm động viên nhau sống vui, sống gương mẫu cho con cháu; không ngừng giáo dục lớp trẻ biết trân trọng quá khứ hào hùng của dân tộc, tăng cường đoàn kết với nhân dân Lào anh em, kiên quyết đấu tranh với các luận điệu sai trái, xuyên tạc lịch sử; quyết tâm bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh. CCB Lê Hồng Chất nhấn mạnh.

CCB Lê Hồng Chất phát biểu tại Đại hội
Hiện BLLQTN&CGQS huyện Hưng Nguyên đã kết nối được hơn 737 CCB trên địa bàn (Có 55 nữ) và tham dự Đại hội lần thứ nhất gồm 250 đại biểu, gồm 15 ủy viên chấp hành.
Từ năm 2016 đến năm 2020, toàn tỉnh Nghệ An đã thành lập được 25 BLLQTN&CGQS giúp cách mạng Lào ở các huyện, thành phố, thị xã với tổng số 5.295 hội viên. Các ban liên lạc hàng năm tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, như duy trì sinh hoạt; tham vấn thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sỹ; tham gia các nghi Lễ quan trọng của hai nước Việt Nam và Lào; động viên, chia sẻ, giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, ốm đau; tặng quà tri ân các gia đình liệt sỹ, thương binh, chất độc da cam. Một số Ban liên lạc còn tổ chức gây Quỹ nghĩa tình đồng đội và phối hợp với Hội Cựu chiến binh vay vốn ngân hàng chính sách xã hội nhằm giúp đỡ các hội viên xóa đói, giảm nghèo; nhận đỡ đầu sinh viên Lào đang học tập các trường đại học trên địa bàn tỉnh Nghệ An làm con kết nghĩa.

Đại tá Vi Tố Định, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Lào phát biểu
Năm 1959, Bộ Chính trị xác định nhiệm vụ của Đảng và nhân dân Việt Nam đối với cách mạng Lào lúc này là: “Tích cực ủng hộ cách mạng Lào phải được coi là một nhiệm vụ quốc tế hết sức quan trọng của Đảng và nhân dân ta; là một công tác có ý nghĩa trọng đại đối với sự nghiệp củng cố miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà”. Trên tinh thần đó, ngày 6/7/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam thành lập Ban Công tác Lào, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Trưởng ban. Sau quyết định này, ngày 12/9/1959, Đoàn chuyên gia quân sự 959 được thành lập và sang hoạt động tại Lào. Đây là những quyết định quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự sáng tạo trong lãnh đạo các lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam giúp Lào kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong quá trình giúp Lào, các đoàn Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đều bắt đầu từ đề xuất, kiến nghị những vấn đề quan trọng, giúp Bạn xem xét, đề ra chủ trương, chính sách lãnh đạo kháng chiến, xây dựng và chiến đấu của quân đội; bám sát các nghị quyết của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Bộ Quốc phòng Lào; tổ chức triển khai xây dựng lực lượng, đề xuất phương án tác chiến, phối hợp chiến đấu hiệu quả, đặc biệt là trong các chiến dịch lớn, như: Luang Namtha (năm 1962), 128, 74A (năm 1964), Nam Bak (năm 1968), Meungsui (năm 1969), Đường 9 - Nam Lào (năm 1971), Cánh đồng Chum – Xiengkhuang (năm 1972)..., tạo bước tiến lớn trong công cuộc kháng chiến của cách mạng Lào và tác động tích cực trở lại đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Sau những thất bại liên tiếp, ngày 27/1/1973, đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris. Một tháng sau, ngày 21/2/1973, đế quốc Mỹ tiếp tục phải ký Hiệp định Vientiane về Lào. Đến đây, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân hai nước Việt Nam và Lào bước sang giai đoạn mới.
 Trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1973 - 1975), đội ngũ chuyên gia quân sự đã tập trung giúp cách mạng Lào những vấn đề cơ bản, then chốt nhất, đặc biệt là giúp cách mạng Lào đấu tranh giành chính quyền bằng “ba đòn chiến lược” và “mũi đấu tranh pháp lý”, tiến lên kết thúc cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Lào, dẫn tới sự ra đời của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào ngày 2/12/1975.
 Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “giúp nhân dân nước Bạn tức là mình tự giúp mình”, Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam đã có đóng góp to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cùng quân và dân các bộ tộc Lào giành thắng lợi hoàn toàn trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 - 1975).

Các CCB cùng múa lamvong, điệu múa cổ truyền dân tộc Lào với sinh viên Đại học Kinh tế Nghệ An đến chúc mừng thành công Đại hội
Em Sittheva Ya, đến từ tỉnh Xiengkhuang, là sinh viên năm cuối, khoa Thú y, Đại học kinh tế Nghệ An đến chung vui cũng các CCB BLLQTN&CGQS huyện Hưng Nguyên bày tỏ xúc động, cảm phục và tự hào về truyền thống đoàn kết đặc biệt của nhân dân hai nước Việt Nam và Lào. “Những CCB bên cạnh em hôm nay là những người đã trở về từ gian khổ trên chiến trường Lào những năm cam go nhất của cuộc kháng chiến giành độc lập tự do cho hai dân tộc Việt Nam- Lào. Nhờ có sự sát cánh của các bác QTN&CGQS Việt Nam thì cách mạng Lào mới có ngày Quốc khánh 2/12/1975. Em rất tự hào và nguyện sẽ lan tỏa cảm xúc này với các bạn của em ở Lào. Em Sittheva Ya, nói.

Em Sittheva Ya, đến từ tỉnh Xiengkhuang, là sinh viên năm cuối, khoa Thú y, Đại học kinh tế Nghệ An
Đại tá Vi Tố Định, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Lào tỉnh Nghệ An cho biết, BLLQTN&CGQS là thành viên của Hội hữu nghị Việt Lào, thời gian qua, Ban liên lạc này luôn là nòng cốt trong các hoạt động ngoại giao nhân dân tỉnh Nghệ An, góp phần vun đắp thêm mối tình Việt Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Lang Quốc Khánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

ứng dụng khcn
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay10,009
  • Tháng hiện tại52,901
  • Tổng lượt truy cập642,594
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây