Ông Hoàng Đức Thương, ở phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò nạn nhân chất độc da cam là một tấm gương vượt khó làm giàu
Bước vào mùa du lịch 2024, thị xã Cửa Lò đặt ra mục tiêu đón và phục vụ 4,15 triệu lượt du khách, trong đó khách lưu trú đạt 1,45 triệu lượt; doanh thu từ các hoạt động dịch vụ, du lịch phấn đấu đạt 4.200 tỷ đồng.
Là công dân thị xã Cửa Lò, cựu chiến binh (CCB), nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) Hoàng Đức Thương, trú ở phường Nghi Hải, trăn trở mình phải làm gì đó vừa phù hợp sức khỏe để mang lại thu nhập cho bản thân, nuôi các con cũng là NNCĐDC, góp sức xây dựng thị xã ngày càng văn minh, sầm uất, là điểm đến lý tưởng cho du khách thập phương.
Dáng người chắc đậm của tuổi xấp xỉ 80, đôi mắt đượm buồn, ngay cả khi cười; ông Hoàng Đức Thương chậm rãi kể: Khi hoàn thành nhiệm vụ, góp sức giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông được chuyển về công tác tại Tỉnh đội Nghệ An; cưới vợ, sinh con. Nhưng niềm hạnh phúc đã không mỉm cười với gia đình ông, đứa con đầu lòng vừa mới sinh được 2 tháng tuổi, đã mất bởi di chứng chất độc da cam từ ông truyền sang con. Đứa con thứ 2 chào đời cũng bị tàn tật, vợ chồng ông phải bán gia sản để cứu con. Dù đi các bệnh viện ở Hà Nội, rồi Sài Gòn dài ngày nhưng đứa con vẫn không thể làm người bình thường. Rồi sinh đứa con thứ 3, may mắn đã mỉm cười với số phận người CCB, nay người con ấy đã trưởng thành và là niềm tự hào của đại gia đình vì có việc làm ổn định, công chức nhà nước. Nghĩ rằng, muốn có thêm một đứa lành lặn để làm bạn con, nên vợ chồng ông quyết sinh đứa thứ tư, nhưng con lại mắc bệnh nhiễm trùng máu bởi di chứng chất độc hóa học từ ông.
Đẻ 4 con nhưng 3 đứa bị ảnh hưởng di chứng chất độc hóa học bởi ông là NNCĐDC. Cuộc sống trôi đi với biết bao túng bấn, phiền muộn, bao nhiêu của nả chắt chiu đều dồn cho các con đi bệnh viện chữa bệnh hết năm này qua năm khác.
Ông nghĩ, trong chiến đấu trước quân thù, bản thân mình không hề nao núng lùi bước, không sợ hi sinh, gian khổ, nhưng sao khi về với đời thường, cuộc sống gia đình mà mình phải lùi bước. Nghĩ là làm, ông tìm cách vượt lên số phận, kiếm thêm thu nhập để chăm sóc, nuôi các con tật nguyền.
Thế rồi, vợ chồng ông gom góp, vay thêm vốn mở nhà hàng ven biển Cửa Hội. Tích cóp mấy năm cũng đủ trang trải cho gia đình. Thế nhưng, trong năm 2023, thị xã Cửa Lò làm cuộc cách mạng chỉnh trang đô thị, giải phóng hơn 200 ki ôt ven biển để lấy mặt bằng xây dựng khu du lịch hiện đại, mang tính bền vững. Biết là thế nhưng với gia đình ông là cả một sự thay đổi hoàn toàn về thu nhập. Thế nhưng nghĩ mình là người lính Cụ Hồ, nên ông là một trong số những người đầu tàu, gương mẫu hưởng ứng cuộc vận động di dời của thị xã, tự giác tháo dỡ ki ốt, nhà hàng, trả mặt bằng cho dự án.
Hơn 200 ki ot ven biển Cửa Lò được tháo dỡ để lấy mặt bằng xây dựng khu du lịch hiện đại, mang tính bền vững
Quay về nhìn cảnh các con là những bệnh nhân trường kì, bản thân đã tuổi cao sức yếu, lại thường xuyên đau ốm do nhiễm chất độc da cam. Một lần nữa, gia đình ông lại lâm vào cảnh túng bấn, bao nhiêu đồng vốn vay mượn gây dựng nhà hàng có nguy cơ sinh nợ chồng chất. Nhiều đêm trăn trở, dằn vặt, nghĩ suy, CCB Hoàng Đức Thương nói với vợ, mặc dù mình có lương hưu quân đội, có trợ cấp NNCĐDC nhưng không thể đáp ứng yêu cầu chăm sóc và chữa bệnh triền miên cho các con. Ông nhận thấy ở quê có nghề sản xuất nước mắm, nguyên vật liệu lại sẵn có dễ mua. Du khách đến với Cửa Lò ngày càng đông, nhộn nhịp. Thường thì, sau tắm biển, ngắm cảnh, du khách còn có nhu cầu mua sắm quà cáp cho chuyến đi... Vậy là ông quyết tâm mở xưởng sản xuất nước mắm theo phương thức cổ truyền để làm sản phẩm đặc sản phục vụ khách du lịch đến Cửa Lò.
Ông lại vay vốn mua sắm hàng chục chum sành, xây nhiều bể chượp bằng xi măng thay cho việc dùng thùng gỗ như trước đây. Theo ông, bể chượp bằng chum sành và xi măng đảm bảo độ kín, an toàn, không bị ô nhiễm nhưng vẫn tương đồng quy trình hạ thổ truyền thống của nghề làm nước mắm trước đây. Nước mắm khi được chiết xuất từ các chum, bể ướp thì được hạ thổ, chôn càng lâu, nước mắm sẽ có màu cánh gián và càng thơm ngon. Và các bể chượp chum sành, xi măng có đủ tính năng hạ thổ truyền thống là như vậy.
Ông Thương vay vốn, mua sắm hàng chục chum sành, xây nhiều bể chượp bằng xi măng thay cho việc dùng thùng gỗ như trước đây
“Chúng tôi thực hiện quy trình rất kì công, sau khi nước mắm ủ chín thì được đem đổ vào chum phơi ít nhất ba tháng, sau đó mới lọc và đóng chai, rồi lại tiếp tục đem hạ thổ, tránh ánh sáng mặt trời để nước mắm có màu đậm cánh gián, lại thơm hơn nước mắm thường khác.” Ông Hoàng Đức Thương chia sẻ.
Từ chỗ chỉ có gia đình ông sản xuất theo quy trình khắt khe, dần dà nhiều hộ dân góp vốn tham gia hình thành Hợp tác xã Hải Giang 1 do CCB Hoàng Đức Thương làm chủ nhiệm.
ÔngThương thông tin với khách về nước mắm đặc sản Cửa Lò
Đến nay Hợp tác xã sản xuất nước mắm truyền thống Hải Giang 1 đã được tỉnh Nghệ An và thị xã Cửa Lò trao chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP.
Chị Phạm Thị Nghệ nhiều năm qua làm nghề chạy chợ, thường ra bãi biển thu mua hải sản về nhập chợ Mai Trang, Cửa Hội cho biết, những ngày thời tiết đẹp thì nghề này cũng mang thu nhập khá tốt nhưng nếu gặp mưa bão, tàu thuyền không ra khơi được thì chị coi như mất nghề, trong khi cả nhà trông nhờ vào chị là lao động chính. Nhưng từ ngày tham gia sản xuất nước mắm của Hợp tác xã Hải Giang 1 của CCB Hoàng Đức Thương, nhà chị có thu nhập ổn định 6 đến 7 triệu đồng mỗi tháng, lại không sợ mưa to, bão biển nữa.
Còn chị Nguyễn Thị Vân, du khách đến từ quận Hoàng Mai Hà Nội cho biết, chị đến thị xã Cửa Lò, ai cũng dặn mua đặc sản biển về làm quà, chị đã mua nước mắm Hải Giang 1 đưa về ai cũng thích và tấm tắc khen.
Ông Nguyễn Văn Thân- Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin thị xã Cửa Lò cho biết, thị xã này có 190 nạn nhân chất độc da cam, trong đó có 46 người ở thế hệ thứ 2 và 7 người thuộc thế hệ thứ 3, đại đa số những NNCĐDC đều có hoàn cảnh khó khăn. Các nạn nhân trực tiếp, tức là những CCB, đa số đều tuổi cao sức yếu; còn các nạn nhân gián tiếp (con của họ) chủ yếu bị dị tật, thiểu năng trí tuệ, không tự phục vụ mà cần có người chăm sóc, mặc dù họ đã trên 40 tuổi rồi.
Ông Nguyễn Văn Thân- Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin thị xã Cửa Lò biểu dương tấm gương NNCĐDC Hoàng Đức Thương tại hội nghị điển hình
Trong những năm qua, các cấp, ngành và nhân dân thị xã Cửa Lò đã tích cực quan tâm, kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam, đặc biệt tạo điều kiện cho các gia đình nạn nhân có cơ hội việc làm, tạo thu nhập để trang trải cuộc sống. Tấm gương NNCĐDC, CCB Hoàng Đức Thương là người điển hình, biết khai thác thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, tạo thu nhập cho gia đình và hàng chục lao động địa phương mà nhiều người bình thường cũng không làm được như ông.
Hiện nay, hợp tác xã sản xuất nước mắm Hải Giang 1 do CCB, NNCĐDC Hoàng Đức Thương làm chủ nhiệm đã có 78 hộ tham gia và đã được công nhận làng nghề. Mỗi năm hợp tác xã này chế biến khoảng 450 tấn nguyên liệu, cho sản lượng nước mắm khoảng 20 nghìn lít, đưa tổng doanh thu của làng nghề từ 20 đến 25 tỷ đồng; thu nhập bình quân mỗi lao động ổn định từ 6 triệu đồng/người/tháng trở lên. Ông Nguyễn Văn Thân- Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin thị xã Cửa Lò phấn khởi cho biết.
Trở lại với CCB, NNCĐDC Hoàng Đức Thương, ông bày tỏ kì vọng một ngày không xa, nước mắm cổ truyền Hải Giang 1 của ông sẽ có mặt trên khắp các gian hàng của các siêu thị lớn, nhỏ trong nước và quốc tế.
Vượt lên hoàn cảnh của một NNCĐDC, CCB Hoàng Đức Thương đã đóng góp sức lực trí tuệ cho phát triển du lịch Cửa Lò theo cách riêng của mình; ông xứng danh người lính Cụ Hồ dù trên cương vị, hoàn cảnh, lĩnh vực nào, ông cũng xứng đáng được giềng xóm, khối phố tin yêu khâm phục, mọi người trong xã hội noi theo.
Quốc Khánh, Nguyệt Hằng
Nguồn tin: dientudacam.vn
Ý kiến bạn đọc