Người lính năm ấy nay đã bước sang tuổi 94. Ông bồi hồi nhớ lại, năm 1947, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Bùi Đức Tùng rời quê nghèo xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An hăng hái lên đường nhập ngũ. Ông được đầu quân vào Trung đội 3, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165 thuộc Sư đoàn chủ lực 312, tham gia trực tiếp chiến đấu tại các chiến dịch chống Thực dân xâm lược Pháp ở Tây Bắc.
Ông loay hoay cài chiếc lon Tướng lên ve áo rồi đính đầy những huân huy chương lên ngực áo. Ông bảo đây là chứng tích chiến công trong 50 năm quân ngũ của mình.
Ông đã vinh dự nhận Huân chương Độc Lập Hạng Hai, Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất, các Huân, Huy chương chiến công, Dũng sĩ, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Ngày này, kí ức chiến dịch Điện Biên Phủ lại hiện về nguyên vẹn trong ông. Ông nhớ người chỉ huy tối cao chiến dịch lúc bấy giờ là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy quả cảm, quyết liệt, thận trọng tỉnh táo trong mọi quyết định. Cũng ngày này, ông nhớ các đồng đội từng cùng nhau vào sinh ra tử, “Khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non”. Đến bây giờ, những người đồng đội năm xưa của ông cũng chỉ còn lại rất ít bởi họ đã là những người trên 80, 90 tuổi.
Ông luôn tâm niệm thành tích đạt được của mình là nhờ công lao của bà
Ông cho biết, trận Điện Biên Phủ có gần 5000 liệt sỹ hy sinh thì Nghệ An là tỉnh có nhiều liệt sĩ nhất với 680 liệt sỹ. Riêng thành phố Vinh, Ban liên lạc đã kết nối được gần 80 cụ là chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng không thể quên quyết định mà Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đưa ra trong chiến dịch năm ấy là chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Đó là một quyết định vô cùng sáng suốt, đúng đắn nhất vì lực lượng của ta lúc bấy giờ thiếu thốn đủ bề về trang thiết bị, khí tài, trong khi đó kẻ địch rất hiện đại, chúng có máy bay, xe tăng, pháo hạng nặng, lực lượng tinh nhuệ. Quyết định của đại tướng đã giúp quân ta bảo toàn được lực lượng để từng bước tạo thế chủ động đánh địch trong mọi tình huống.
Có lần, đại đội ông kéo pháo vào đến tận trận địa, nhưng vừa đến nơi, chuẩn bị khai hỏa thì lại được lệnh rút ra. Ai cũng ngỡ ngàng, tiếc công kéo pháo vào. Nhưng khi được quán triệt, học tập, ai nấy đều hiểu ra và lại cố gắng kéo pháo ra. Nhiều ngày mưa tầm tã, lại gặp phải những cuộc tập kích bằng hỏa lực của địch, nên nhiều chiến sĩ của ta hi sinh “máu trộn bùn non".
Một lần khác, đơn vị ông được giao nhiệm vụ đào hầm, xây dựng các công sự hướng về sân bay Mường Thanh. Trên quán triệt, đào hầm phải tuyệt đối bí mật, tránh bị phát hiện, vì vậy chiến sĩ ta ngày thì ngủ hầm, đêm mới lợi dụng pháo sáng của địch để đào. Vì là chiến tuyến giáp các điểm chốt của địch nên đại đa số hàng tiếp tế của địch do máy bay thả xuống đều lạc vào đội hình của quân ta.
Suốt chặng đời binh nghiệp, đánh Bắc dẹp Nam, ông không nghĩ gì cho riêng mình mà chỉ lo cho người vợ trẻ hậu phương. Ông thường kể công về người vợ đảm ở hậu phương đã tiếp sức cho ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các chiến dịch từ chiến trường khu 5, chiến dịch Mậu Thân 1968, rồi Đường 9 – Nam Lào, cao nguyên Bo- la –ven trên nước Bạn Lào... Ông đã hoàn thành sứ mệnh qua nhiều chức vụ từ Trung đội trưởng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, rồi Chính ủy tại các đơn vị chống Mỹ trong các sư đoàn 312 ; Sư đoàn 2 Liên khu 5, Quân khu Bốn, đến Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự Nghệ Tĩnh. Ông nhận ra rằng, những thành tích mà mình đạt được là nhờ người vợ ở hậu phương.
"Khi lấy ông, tôi đã chấp nhận làm vợ lính, là phải chờ đợi, mong ngóng, và luôn cầu xin ông bình an để trở về. Làm vợ lính trận người nào mà chẳng thế. Mãi khi đất nước hòa bình, ông mới có cơ hội về thăm nhà". Bà Nguyễn Thị Liên, vợ ông cho biết, bà cũng đã có hơn 60 năm tuổi đảng.
Thiếu tướng Bùi Đức Tùng kể, vào năm 1971, trong chiến dịch Đường 9 Nam Lào, ông nhận tin người vợ đầu của ông mất vì bệnh tim, còn bà Liên là người vợ kế, bà ấy là người cùng làng, từng có chồng là liệt sỹ và có một con gái nhỏ nên dễ cảm thông chia sẻ. Bà sinh thêm cho ông được 4 người con (2 trai, 2 gái), nay ông bà đã có 13 cháu nội ngoại.
Ở tuổi 94, Thiếu tướng Bùi Đức Tùng vẫn luôn tham gia sinh hoạt đảng đều đặn tại địa phương nơi cư trú, ông luôn được chính quyền sở tại lấy làm tấm gương để bồi dưỡng giáo dục lớp trẻ về niềm tự hào, ý chí vươn lên cho thế hệ trẻ. Ông là con người bước ra từ lịch sử với những thực tế về lòng trung thành tuyệt đối vào đường lối đúng đắn của Đảng, về tinh thần yêu nước, sẵn sàng hi sinh vì nền độc lập tự do; chủ động ứng phó trước mọi tình huống, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia dân tộc”.
Thiếu tướng Bùi Đức Tùng luôn là tấm gương sáng giữa đời thường
Tôi vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp 3 lần, ông nói. Lần gặp cuối là năm 2000, khi Đại tướng cùng phu nhân có chuyến nghỉ dưỡng ở Cửa Lò. Hôm ấy, Đại tướng nhắn nhủ, đảng chính quyền địa phương phải tích cực chăm lo cho các cựu chiến binh, nhất là những người thương bệnh binh, người chịu di chứng chất độc Da cam/Dioxin và con cái của họ.
“Đại tướng dặn, các cựu chiến binh phải đồng lòng, đoàn kết với nhau bởi không ai có thể chăm sóc, quan tâm mình tốt hơn những đồng đội, từng vào sinh ra tử với nhau”. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng bộc bạch.
Đại tá Tạ Quang Dư, người từng có một thời được phục vụ dưới quyền Thiếu tướng Bùi Đức Tùng cho biết, anh em bạn lính của ông nay đều sinh hoạt trong các Hội cựu chiến binh ở các địa phương, khi nhắc đến cựu chiến binh Bùi Đức Tùng, ai cũng dành cho ông tình cảm đặc biệt, kính trọng nhất. Ông luôn là tấm gương trong sáng để đồng đội và thế hệ trẻ noi theo. Đại tá Tạ Quang Dư nói.
Lang Quốc Khánh
Ý kiến bạn đọc