Chuyện trò cũng nữ sĩ đam mê nghề ảnh

Thứ bảy - 17/05/2025 05:18 26 0
Trại sáng tác do Hội VHNT CDTTS Việt Nam mở tại thành phố Đồng Hới tỉnh Quảng Bình từ ngày 15 đến 22/5/2025, PV Hữu nghị Việt Lào đã trò chuyện cùng nữ NSNA Dương Vân Anh đến từ tỉnh Hòa Bình
 
Chuyện trò cũng nữ sĩ đam mê nghề ảnh


Chân dung nữ NSNA Dương Vân Anh

-PV: Mỗi người có một niềm đam mê riêng, với chị sao lại yêu nghề nhiếp ảnh trong khi đó lĩnh vực này rất ít phụ nữ theo đuổi, vì bên cạnh công việc còn phải bếp núc, con cái. Vậy chị sắp xếp thế nào để theo được nghề?
-NSNA Dương Vân Anh: Năm 1996 tôi được kết nạp vào hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình sinh hoạt tại chi hội nhiếp ảnh, được đến gần hơn với nhiếp ảnh nghệ thuật, được gặp gỡ giao lưu và học hỏi để tôi hiểu biết hơn về ánh sáng, bố cục, và ý tưởng trong ảnh nghệ thuật. Những năm đó ảnh kỹ thuật số chưa lên ngôi, thậm chí ảnh màu còn đang đắt đỏ. Mỗi một lần lên film rồi bấm cò máy là những quan sát tỉ mỉ về bố cục, về ánh sáng và cả những biểu cảm trên từng nhân vật trong mỗi khuôn hình.

Thấm thoắt đã 33 năm cầm máy và 28 năm tham gia phong trào nhiếp ảnh, tôi đã đặt chân đến 43 tỉnh thành của đất nước Việt Nam. Trân trọng từng chuyến đi vì tôi biết với phụ nữ chúng tôi mỗi chuyến đi là một cơ hội. Cơm áo, gạo tiền và trách nhiệm với con cái với gia đình để tôi luôn trân trọng và biến những cuộc đi sáng tác thành những lần đi khám phá cái đẹp tìm và ghi lại những khoảnh khắc của cuộc sống diễn ra ở mỗi nơi tôi từng đi qua.


Các cụ điện biên năm xưa gặp nhau trên đồi A1  (Ảnh Dương Vân Anh)


-PV: Đam mê và số phận đã gắn kết chị để chọn nghề, vậy hai yếu tố đó cho chị thành quả như nào?

-NSNA Dương Vân Anh:  Lật lại từng tấm ảnh, hồi tưởng lại mỗi chuyến đi những kỷ niệm trong tôi như được sống lại khoảnh khắc bấm máy. Bức ảnh“Cùng Trụ Lại”được tôi chụp tại bản Pà Cò – Mai Châu trong một ngày đến nơi này, gặp gỡ người dân trong bản đang dựng nhà mà tất cả mọi người đang cùng nhau kéo cột dựng lên, trẻ có, già có, đàn ông có rồi cả các bà mẹ địu con sau lưng cũng có. Với không khí làm việc sôi nổi giữa công cuộc xóa bỏ du canh du cư của người dân tộc trên miền núi phía Bắc tôi đã ghi lại khoảnh khắc đó và được Huy chương Bạc năm 2000 tại cuộc thi “Phụ nữ Việt Nam năm 2000”. Hay tác phẩm“Cô Gái Nhà Nông”cũng là một tác phẩm ấn tượng với tôi,  khi đang trên đường đi Hà Nội bằng xe máy, gặp hai cô gái đi gánh mạ ra đồng ở huyện Lương Sơn. Khi lướt qua tôi thấy hai cô đang vừa đi vừa trò chuyện với nụ cười tươi rói. Tôi đã dừng xe lại xin đươc chụp ảnh, các cô bẽn lẽn ngại ngùng vì tay đầy bùn đất. Chính những nét ngại ngùng với đôi tay bùn đất và nụ cười bẽn lẽn đã ra đời tác phẩm“Cô Gái Nhà Nông” Đoạt giải nhì Triển lãm Ảnh nghệ thuật - thời sự Hòa Bình 2000 và Trưng bày tại ảnh nghệ thuật toàn quốc lần thứ nhất 1996-2000 của Bộ Văn Hóa Thông Tin. Lật bức ảnh “Lan Rừng” tôi bất chợt mỉm cười và thấy mình thật may mắn. Săn lùng cái đẹp đâu chỉ có đàn ông. Tôi len lỏi vào các huyện thị, làm quen trò chuyện rồi cùng các em thiếu nữ ra suối chụp ảnh. Tác phẩm“Lan Rừng”được ra đời trong một dòng suối thơ mộng ở huyện Cao Phong để rồi đoạt giải Khuyến khích ảnh nghệ thuật toàn quốc năm 2000.                                                                      
Từ năm 1996 đến năm 2000 tôi đã đạt hơn 10 tác phẩm đoạt giải và trưng bày triển lãm từ Trung ương đến khu vực và cấp tỉnh đã giúp tôi đủ điểm, đủ điều kiện xét kết nạp vào Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam năm 2002.
Tôi nhớ mãi câu nói của một người anh, người thầy “Nếu không có điều kiện chụp được những tác phẩm đỉnh cao thì em hãy chụp những điều bình dị nhất” chính vì thế đôi khi những cuộc sống hàng ngày diễn ra quanh mình tôi đều quan sát và ghi lại bằng hình ảnh vừa để lưu giữ kỉ niệm vừa tìm những nét đẹp có tính nghệ thuật khi điều kiện hội tụ đủ các yếu tố về ánh sáng, nhân vật, bố cục và khoảnh khắc sẽ cho ta một tác phẩm đẹp.
Qua những năm tháng miệt mài đi tìm cái đẹp trên những cung đường, đến với các bản làng vùng sâu vùng xa của các tỉnh miền núi phía bắc. Những đóng góp, quảng bá hình ảnh về đời sống các dân tộc anh em. Năm 2015 Tôi được kết nạp vào hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam
Năm tháng dần trôi, cuộc sống có nhiều sóng gió đôi lúc khiến ta như muốn buông xuôi tất cả, tưởng chừng niềm đam mê của tôi phải gác lại để rẽ sang một hướng khác. Bẩy năm gác máy không có thời gian và điều kiện cầm máy đi chụp, tôi vẫn nhất quyết không bán máy mà cất gọn vào tủ chống ẩm chỉ mong có cơ hội lại xách ba lô lên và đi.




Vệ sinh giàn trạm 500kw Lào Cai  (Ảnh Dương Vân Anh)

-PV:
Đam mê và sự nghiệpgắn kết rất ngẫu nhiên, vậy chị ấn tượng nhất là những khoảnh khắc nào trong nghề nhiếp ảnh?

-NSNA Dương Vân Anh:
Năm 2022 sau khoảng thời gian không được đi đó đi đây vì công việc cũng như dịch covit, tôi lại có điều kiện đi dự trại sáng tác của hội NSNA Việt Nam tại Vũng Tàu. Được cầm lại máy, được ngắm biển trời quê hương qua ống kính, cảm xúc lại ùa về cuốn tôi đi theo lối đam mê để tìm cái đẹp. Từ năm 2022 tôi đã có những chuyến đi dài ngày ở Vũng Tàu, ở Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang,Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu rồi Điện Biên … Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm, được đến với đồng bào các dân tộc trên mọi miền đất nước, được đi đến các danh lam thắng cảnh của quê hương tôi đã ghi lại những khoảnh khắc đẹp bằng hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam. Từ năm 1996 có tác phẩm được giải ba của Tình Hòa Bình đến nay tôi đã có 38 tác phẩm được công bố dưới hình thức được trao giải và được triển lãm trong các cuộc thi, liên hoan từ giải cấp Quốc gia, cấp khu vực, cấp tỉnh và các ban ngành. Nhưng vinh dự là từ khi cầm máy trở lại năm 2022 thì tôi đoạt huy chương Bạc tác phẩm ảnh Nghệ thuật 15 tỉnh miền núi phía bắc tại tỉnh Phú Thọ năm 2023.
Với tác phẩm: “Vệ Sinh Dàn Trạm 500kV Lào Cai
Là Tác phẩm chụp về công nghiệp nhưng với góc độ và ánh sáng tôi đã nêu bật được tầm quan trọng của sự phát triển mạnh mẽ ngành điện đối với các tỉnh miền bắc nói riêng và cả nước nói chung. Tuy là TP chụp về công nghiệp nhưng được Ban Giám Khảo và các tác giả tham dự liên hoan ảnh khu vực đánh giá là có đường nét mềm mại, bố cục đẹp, chặt chẽ, ánh sánh đẹp tạo nên một bức ảnh hoàn chỉnh mang tính nghệ thuật cao. Qua bức ảnh ta thấy được sự say mê trong lao động, có tránh nhiệm với công việc, an toàn và tuân thủ các quy định về công việc được giao. Trạm 500kv Lào Cai là trạm điện lớn của khu vực miền núi phía Bắc, tất cả các công đoạn xây dựng và lắp ráp đã và đang được tiến hành để đưa vào hòa với lưới điện quốc gia. Nhiệm vụ cao cả đó đã được tôi ghi lại bằng hình ảnh để truyền tải đến công chúng công việc thầm lặng của những người công nhân trong tập đoàn EVN và đã được ban GK lựa chọn trao giải Huy chương Bạc trong cuộc thi ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc năm 2023. Giải thưởng là nguồn động lực mạnh mẽ để tôi tiếp tục lên đường tìm kiếm những khoảnh khắc đẹp. Năm 2023 tôi được tham dự trại sáng tác ở Điện Biên với các hội viên hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam của 15 tỉnh miền núi phía Bắc được trại phân công đi huyện Nậm Pồ cùng 6 nghệ sĩ khác. Ba ngày vào sâu trong các bản làng, ghi lại bằng hình ảnh sinh hoạt của các dân tộc ở huyện này tôi thấy không nói lên được rõ nét về Điện Biên với khí thế hào hùng của chiến thắng 70 năm.



Gặp gỡ ở Điện Biên (Ảnh Dương Vân Anh)

-PV:
Nghề nhiếp ảnh thường gắn kết kĩ năng và cảm xúc, theo chị có đúng vậy không?

-NSNA Dương Vân Anh:
Quay lại trại sáng tác, tôi đến với đồi A1 và được gặp các cụ Cựu chiến binh ở đó. Qua trò chuyện hỏi thăm, tôi được biết các cụ là cựu chiến binh thời đánh pháp ở trận địa này. Các cụ đều trên 90 tuổi rồi. Khi đã hỏi thăm và là quen được với các cụ, từ những dẫn dắt câu chuyện của mình tôi được các cụ kể lại cho nghe về trận đánh năm ấy với những hồi ức đẹp nhất các cụ đã cho tôi một tác phẩm mà khi bấm máy tôi đã thật sự rung động. Trước hầm chỉ huy của quân Pháp năm xưa, với cái nắng đổ lửa, địa điểm các cụ đứng tạo cho bức ảnh có mảng sáng tối rõ ràng. Những chiếc huy chương trên ngực các cụ lấp lánh, nụ cười sảng khoái khi câu chuyện đến cao trào. Tôi đã dùng ống kính góc rộng chụp với cự ly thật gần và từ phía trên xuống. Nhấn mạnh vào biểu cảm khuôn mặt cùng với chiến công của các cụ là những tấm Huân huy chương. Các cụ như một bông hoa tươi đẹp với nhuỵ hoa là những Huân huy chương lấp lánh. Đã khẳng định và tô điểm cho lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên lịch sử. Tôi thấy mình thật may mắn khi bắt được khoảnh khắc đẹp này.
Đúng với tần số rung động của người bấm máy,  tác phẩm của tôi được đánh giá cao trong đợt tổng kết trại sáng tác và tôi gửi dự thi khu vực 15 tỉnh miền núi phía Bắc với tác phẩm “Các Cụ Cựu Chiến Binh Điện Biên Năm Xưa Gặp Nhau Trên Đồi A1” đã đạt Huy chương Vàng. Một tấm huy chương quý giá, nó không có sức nặng về hiện kim, nó cũng như bao huy chương vàng của những lần liên hoan trong nước, trong khu vực… nhưng giá trị tinh thần của tác phẩm đã vượt trội so với những huy chương khác vì được nhân vật trong tác phẩm đến với triển lãm, giao lưu cùng ban tổ chức, ban giám khảo, hội đồng nghệ thuật và đông đảo các tác giả của 15 tỉnh trong cuộc liên hoan và triển lãm ảnh tại Điện Biên gây nên sự xúc động cho buổi lễ trao giải. Chưa dừng lại ở đó khi tôi gửi dự thi ảnh nghệ thuật toàn quốc năm 2024, Ban Tổ chức đã nhận được tổng số 9.500 tác phẩm của 1373 tác giả thuộc 63 tỉnh, thành phố trong cả nước gửi tới tham dự. Hội đồng Nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập gồm các nhà nhiếp ảnh uy tín đã tiến hành chấm chọn nghiêm túc, công tâm, đã chọn được 250 tác phẩm của 194 tác giả để trưng bày triển lãm, trong đó có 33 tác phẩm xuất sắc được trao giải gồm 3 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng và 15 Giải Khuyến khích. Và lại một lần nữa tác phẩm “Các Cụ Cựu Chiến Binh Điện Biên Năm Xưa Gặp Nhau Trên Đồi A1” của tôi đã được trao Huy chương Bạc ở thể loại hiện thực trong cuộc thi này.
Mỗi chuyến đi là một cuộc hành trình săn tìm cái đẹp trong mọi khoảnh khắc để người nghệ sỹ chúng tôi thăng hoa trong từng tác phẩm, ước mơ chung của tất cả các nghệ sĩ chúng tôi là một lần được đến với Trường Sa – Quần đảo thiêng liêng của Tổ Quốc. Tháng 5 năm 2024 tôi vinh dự có chuyến hải trình đến với Trường Sa. Được đến ba đảo nổi , ba đảo chìm và nhà giàn DK1 với tôi đó là chuyến đi đầy cảm xúc và thiêng liêng nhất. tôi đã nhiều lần vừa bấm máy vừa khóc nức nở vì không kìm được khi thấy mảnh đất thiêng liêng của Tổ Quốc giữa biển khơi bao la đẹp đến vô cùng, những chiến sỹ Hải Quân kiên cường, gan dạ, hiên ngang giữa cái nắng cái gió của biển trời bao la để gìn giữ tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc.




Thử Mõ (Ảnh Dương Vân Anh)

-PV
: Những đam mê và nỗ lực của bản thân đã cho chị thành quả như nào, hình như đó chính là số phận của cuộc đời, nhất là một phụ nữ như chị?

NSNA Dương Vân Anh:
Vâng, tôi nghĩ, cả một hành trình dài hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, năm 2018 tôi được Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tặng kỷ niệm chương “ Vì Sự Nghiệp Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam” và năm 2019 tôi được Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam tặng kỷ niệm chương “ Vì Sự Nghiệp Phát Triển Nghệ Thuật Nhiếp Ảnh Việt Nam”
Trong ngôi nhà Văn Học Nghệ Thuật, có lẽ bộ môn nhiếp ảnh là cần phải đi nhiều nhất, phải đến với thiên nhiên, đến với bản làng, đến với những lễ hội trên khắp đất nước không kể ngày mưa hay nắng, không kể ngày rét hay nóng. Có những chuyến đi rồi về tay trắng vì thời tiết không ủng hộ. những người cầm máy như chúng tôi vượt qua rất nhiều những khó khăn để theo đuổi đam mê. Nếu bạn thử hỏi đã ai chưa từng bị rơi chiếc máy giá trị cả trăm triệu của mình chưa? Hẳn là còn rất ít người chưa đánh rơi lần nào. Biết là đam mê nào cũng có những khó khăn nhất là thời đại số hóa ngày càng phát triển, công nghệ AI làm thay đổi nhân sinh quan về cảnh vật, con người. Nhưng Giá chị hiện thực mới là điều những người nghệ sĩ như chúng tôi cần lưu giữ, chép lại lịch sử bằng hình ảnh chân thực nhất cho thế hệ mai sau.
Tôi luôn ấp ủ một ước mơ, sẽ có ngày gần nhất ra một cuốn sách ảnh hoặc làm một cuộc triển lãm cá nhân để đưa những tác phẩm của mình đến với công chúng, để thấy được sự phát triển và đổi mới trên quê hương ta trong mỗi cuộc hành trình. Có lẽ ước mơ của tôi sẽ được chắp cánh nếu được sự động viên , quan tâm của các ban ngành và lãnh đạo hội. dù sao tôi vẫn cứ thắp mãi niềm đam mê và dần thực hiện giấc mơ của mình.

Vâng xin cảm ơn NSNA Dương Vân Anh:
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

ứng dụng khcn
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập17
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm16
  • Hôm nay7,323
  • Tháng hiện tại240,171
  • Tổng lượt truy cập1,637,483
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây