Khẽ chạm một chút non nước Cao Bằng

Thứ sáu - 26/07/2024 11:11 452 0
Ghi chép của Lang Quốc Khánh
Khẽ chạm một chút non nước Cao Bằng

Hoàng Trang cầm máy ảnh chạy thoăn thoắt, mồ hôi vã giữa cái nắng chang chang xứ núi, chụp nhiều bức ảnh cho chuyến thưởng ngoạn non nước Cao Bằng của đoàn VNS Nghệ An. Cô gái trẻ, dáng nhỏ xinh, vẻ mặt lành lạnh, ít nói. Cô là biên tập viên Tạp chí Non nước Cao Bằng, thuộc Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Cao Bằng. Có người mách bảo, Trang đến từ tỉnh Bắc Cạn.
Ba ngày gắn bó với đoàn Văn nghệ sĩ (VNS) tỉnh Nghệ An, Trang bị “lây” những câu chuyện tếu Xứ Nghệ, cô bỗng mạnh dạn hơn, lại còn pha trò gây cười. Hoàng Trang dẫn chúng tôi vòng quanh thành phố Cao Bằng, ngắm ba con sông: Bằng Giang, Hiến Giang và Hoằng Ngà, tạo bức tranh thơ mộng cho phố núi. Nước sông Bằng Giang chảy xiết, chỉ để cho du khách ngắm chứ không ai dám bơi lội dưới đó. Trong tôi lởn vởn câu thơ: “Ba mặt tam giang trôi cuồn cuộn/Bốn bề tứ trụ đứng chon von”.
Tôi thức dậy sớm hơn mọi ngày để chạm những nét mộng mơ, hùng vĩ của non nước Cao Bằng. Đứng trên tầng 6 khách sạn Bằng Giang ngắm tia nắng mặt trời hắt lên những tòa nhà với đa cạnh góc tạo bức tranh tuyệt đẹp. Cây cầu bắc qua Bằng Giang mờ ảo ngược nắng.




Buổi sáng bên sông Bằng Giang

Chủ tịch Hội VHNT Cao Bằng Nguyễn Việt Hùng có công chuyện ở Đà Lạt vội vã bay về để tiếp đón đoàn VNS Nghệ An. Ông hồ hởi dẫn đoàn trèo lên triền núi  Mắt Thần, trong quần thể hồ Thang Hen. Ông bảo, ngọn núi này theo tiếng Tày  gọi là Phja Piót, nghĩa là núi thủng. Quả thật, ngọn núi cao ngút có một lỗ thủng khổng lồ với đường kính hơn 50m, cao khoảng 50m so với mặt hồ Thang Hen. Trên thế giới chắc chưa có ngọn núi nào như vậy, tôi nghĩ. Núi Mắt Thần nằm trong thung lũng xóm Bản Danh, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh của tỉnh Cao Bằng. Muốn chiêm ngưỡng kì quan của ngọn núi, chúng tôi phải ngược 40 cây số từ thành phố Cao Bằng và điền giã khoảng hai cây số nữa. Nhạc sĩ Hữu Đào, người nổi tiếng của gần chục nhạc cụ thổi bằng hơi, mặc dù đang đau nhức đôi chân vẫn cố trườn lên để ngắm kĩ nét kì vĩ của núi thủng, một kì quan có một không hai trên thế giới.






Điền giã chiêm ngưỡng núi Mắt thần

Cao Bằng nổi tiếng bởi Khu di tích đặc biệt Quốc gia Pác Bó, nơi có hang Cốc Bó mà Bác Hồ trú ngụ để hoạt động cách mạng. Thiên nhiên kì vĩ bởi dòng suối ầm ào chảy ra từ lòng núi đá. Người Nùng, người Tày gọi là “Pác Bó”, có nghĩa là “miệng nguồn” “khởi nguồn”. Còn cái hang Bác Hồ trú ngụ thì gọi là “Cốc Bó” tức là "nguồn gốc của nước". Dòng nước chảy ầm ào cuộn sóng ngay từ khi nó thoát ra khỏi miệng những khe núi đá hiểm trở. Nước mát lạnh, trong vắt đổ ra thành suối Lê Nin, tưới mát những cánh đồng trù phú xanh ngút mắt.







Suối tuôn ào ạt từ những khe đá thành Suối Lê Nin

Mạo hiểm hơn, Chủ tịch Hội VHNT Cao Bằng Nguyễn Việt Hùng dẫn đoàn vượt qua những cung đường ngoắt ngẻo xuyên đỉnh đèo cao vút. Đỉnh Phia Oắc, mây sà xuống tạo nên biển mây âm u. Trên mái nhà của Trạm Phát thanh Phia Oắc, rêu xanh mọc xen những kẽ ngói một cách kì lạ. Đây là đỉnh núi cao gần 2000 mét so với mực nước biển thuộc địa bàn 5 xã của huyện Nguyên Bình.







Đoàn VNS Nghệ An lên đỉnh Phia Oắc

Do có việc đột xuất Nhà báo Nguyễn Việt Hùng phải về cơ quan, nhường dẫn đoàn  cho phóng viên Hoàng Trang. Cô dẫn chúng tôi lên ngọn núi Kolia, nơi mà đầu thế kỷ 20, một người Pháp tìm ra và xây dựng thành khu nghĩ dưỡng. Mãi sau này, một doanh nhân trẻ tên là Hoàng Mạnh Ngọc, người con của quê hương Nguyên Bình đã tiếp quản và gây dựng thành trung tâm sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch sinh thái. Trên đỉnh Kolia là bạt ngàn chè đặc sản Cao Bằng mơn mởn xanh  theo những bậc thang, đẹp như tranh vẽ.
Phát huy lợi thế của non nước Cao Bằng đã có hàng chục doanh nghiệp trẻ xây dựng nhiều khu nghỉ dưỡng, cơ sở sản xuất đặc sản Cao Bằng... như Khu Homstay  “Dốc tình quán” thuộc xóm Bó Đa, Thị trấn Trùng Khánh, chủ cơ sở là nhạc sĩ trẻ Lục Quốc Trường, hay khu khách sạn Bản Giốc Quây Sơn Homestay - Xóm Bản Giốc, Xã Đàm Thủy, Huyện Trùng Khánh của một cô gái trẻ...
Đến Cao Bằng, du khách khổng thể bỏ qua địa danh nổi tiếng Thác Bản Giốc, thác nước tự nhiên lớn thứ tư thế giới và lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Thác nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn, bắt nguồn từ Trung Quốc, vào lãnh thổ Việt Nam tại Pò Peo thuộc xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh. Bên kia sông là hàng chục chiếc thuyền lững thững của du khách Trung Quốc thưởng ngoạn. Bờ bên này thuộc lãnh thổ Việt Nam, có hàng trăm du khách trèo lên cây cầu bắc qua những lạch nước, chiêm ngưỡng sự hùng vĩ thơ mộng, ngoạn mục của thác Bản Giốc. Phía trên bờ là cánh đồng lúa xanh mướt chìm dưới làn hơi phả lên từ thác, mát lạnh. Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Cao Bằng, thì mỗi năm có khoảng 30.000 lượt du khách phía Việt Nam và gần một triệu lượt du khách phía Trung Quốc đến chiêm ngưỡng thác Bản Giốc.






Vẻ đẹp mê hồ của thác Bản Giốc

Trong thời gian đi thực tế tỉnh Cao Bằng theo ký kết phối hợp, tổ chức hoạt động sáng tác VHNT Nghệ An- Cao Bằng, đoàn VNS Nghệ An đã ghé thăm Cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh, đây là cặp Cửa khẩu Trà Lĩnh-Long Bang, thuộc địa bàn huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và huyện Long Châu, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc). Cặp Cửa khẩu này vừa được nâng hạng thành cửa khẩu Quốc tế hơn một năm nay. Trong khu nhà làm việc của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh, tôi còn nhìn thấy dòng chữ vàng nổi bật trên nền băng rôn đỏ “Tỉnh Cao Bằng, Việt Nam- Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc hợp tác và phát triển”.




PGS TS Đinh Trí Dũng tặng ấn phẩm của Hội VHNT Nghệ An cho bộ đội Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh




Chủ tịch Hội VHNT Cao Bằng -Nguyễn Việt Hùng (trái) và đoàn VNS Nghệ An trò chuyện với BĐBP Cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh

Buổi tối, hai Hội VHNT Nghệ An- Cao Bằng, “Hai miền quê Bác” đã có cuộc giao lưu ấm áp thắm tình đoàn kết, sẻ chia đến tận khuya. Chủ tịch Hội VHNT Cao Bằng Nguyễn Việt Hùng và Phó chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An- PGS TS Đinh Trí Dũng cùng chia sẻ kinh nghiệm công tác hoạt động Hội, trao đổi công tác phối hợp về chuyên môn nghiệp vụ cũng như hiệu quả và cách quản lí chất lượng của hai Tạp chí Non nước Cao Bằng và Tạp chí Sông Lam.
Trong khuôn khổ chuyến đi thực tế, đoàn VNS tỉnh Nghệ An còn ghé thăm và giao lưu với Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn, tham quan một số di tích danh thắng của tỉnh Lạng Sơn.




Đoàn VNS Nghệ An chụp ảnh lưu niệm tại Ải Chi Lăng (Lạng Sơn)

Trên xe trở về,  nghệ sĩ Cao Bằng Hoài Thương còn gửi tiễn chân đoàn qua Zalo giọng hát Then ngọt ngào, vang vọng: “Bao giờ trở lại người ơi” làm ai nấy đều xúc động, rưng rưng.
Tạm biệt Cao Bằng, chúng tôi như mới chỉ được chạm một chút nhỏ vào “Non nước Cao Bằng” vì Cao Bằng quá vĩ đại. Miền biên viễn này đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu vào năm 2018, nơi được biết đến là chứng tích về địa chất hơn 500 triệu năm, là một trong những vùng đất người tiền sử ngụ cư sớm nhất ở Việt Nam.
Trên Zalo của nhóm hành trình Cao Bằng, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Lê, thuộc Chi hội VHNT Diễn Châu, viết “Có một chuyến đi thật vui, thật ý nghĩa và ngập tràn cảm xúc. Nguyễn Lê xin cảm ơn lãnh đạo Hội,  Trưởng phó đoàn và các anh các chị rất nhiều.”
Còn Nghệ nhân Nhân dân Võ Thị Hồng Vân, thuộc Chi hội VHNT Thanh Chương, thì viết “Em xin chân thành cảm ơn Ban lãnh đạo hội đã tạo cơ hội cho đoàn có chuyến đi trải nghiệm thực tế thật ý nghĩa, bổ ích, Hồng Vân cảm ơn các anh chị em trong đoàn, em sẽ nhớ cả nhà nhiều.” Riêng nhà thơ Đậu Phi Nam- Chi hội trưởng VHNT Hoàng Mai thì tức cảnh làm liền 5 bài thơ.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

ứng dụng khcn
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập35
  • Hôm nay5,176
  • Tháng hiện tại54,300
  • Tổng lượt truy cập643,993
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây