Từ chuyện sáp nhập, đàm đạo cùng già làng huyện biên giới Anh hùng
Thứ sáu - 25/04/2025 23:34830
Cách thành phố Vinh khoảng 250 cây số về phía Tây, bon bon trên Quốc lộ 7 mới được nâng cấp, chúng tôi chỉ đi hết 5 tiếng đồng hồ là đến thị trấn Mường Xén, huyện lỵ của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Kỳ Sơn là huyện biên giới có một vị trí địa lý đặc biệt và có đường biên giới dài 192km chung với nước bạn Lào, tiếp giáp với ba tỉnh của Lào là Huaphanh, Xiengkhuang và Bolikhamxay.
Toàn cảnh thị trấn Mường Xén, huyện lỵ của huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An
Trong thời kỳ đổi mới, quân và dân huyện Kỳ Sơn vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Nghệ An tặng Nhân dân và cán bộ huyện Kỳ Sơn bức trướng mang dòng chữ: "60 năm phát huy truyền thống anh hùng đoàn kết, đổi mới, xây dựng và phát triển". Trò chuyện với hai “già làng” cư trú tại thị trấn Mường Xén, hai cụ đem bao chuyện bươn trải, làm ăn của bản thân cho đến bản sắc văn hóa, lịch sử vùng đất. Hai cụ cảm thấy tự hào và luôn yêu mến mảnh đất mình sinh trưởng. Cụ thứ nhất, ông Vy Văn Xúc, nguyên Phó Giám đốc Công ty Việt Lào có trụ sở đóng tại thành phố Vinh, nhưng ông được giao trọng trách “cầm quân” sang lập Công ty sản xuất gạch ngói tại thủ đô Vientiane của nước bạn Lào. Bươn trải mấy chục năm vừa quan hệ tốt với bạn, ông còn giải quyết việc làm cho hàng trăm nhân công là người bản địa, vì thế ông được chính quyền sở tại coi là chỗ dựa cho các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương, luôn rất ủng hộ doanh nghiệp trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi về hưu ở quê hương Mường Xén ông lại mở công ty sản xuất nước uống đóng chai mang thương hiệu “Sao La” tại Khối 1 thị trấn Mường Xén, được người tiêu dùng ưa chuộng. Ông bảo sở dĩ lấy tên Sao La cho chai nước là để du khách và muôn người không quên được tên gọi của một loài thú quý hiếm trên dãy Trường Sơn, mái nhà chung hai nước Việt Nam- Lào. Sao La, tiếng Thái có nghĩa là khung cửi của nghề canh cửi bản địa “Xáu lá”. Sở dĩ viết là Sao La vì người Kinh gọi chệch như vậy. Hiện nay ai lên Mường Xén đều mua vài két nước khoáng Sao La để đi đường. Bạn Lào khi qua biên giới thích nước khoáng Sao La vì nó có xuất xứ Mường Xén. Cụ thứ hai, ông La Văn Chánh, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn hai nhiệm kỳ. Khi nghỉ hưu ông Chánh chú tâm vào làm nhà nghỉ Homstay ngay giữa trung tâm thị trấn Mường Xén với tên gọi NaNa. Ông Chánh giải thích, bản thân ông sinh ra và lớn lên ở bản Canh Tà Cạ, trước Tà Cạ và Mường Xén là một. Cái tên Mường Xén có từ xa xưa khi chưa lập huyện Kỳ Sơn. Người Lào cũng chỉ biết huyện Kỳ Sơn qua tên gọi Mường Xén. Hôm tôi lên Kỳ Sơn, có một anh bạn người tỉnh Huaphanh của Lào gọi điện muốn gặp tại Vinh, tôi nói và gửi định vị là đang ở Mường Xén, ông có biết Mường Xén là đâu không. Người đó trả lời tôi chưa đến đó bao giờ nhưng tên gọi ấy thì tôi biết anh đang ở rất xa thành phố Vinh- anh bạn Lào nói. Ông Chánh giãi bày, gia tộc ông vào hạng bậc trung thời ông nội. Họ La của ông nổi tiếng một thời vì biết buôn bán, trao đổi hàng hóa trên bến sông Nậm Mộ. Con sông quê ông bắt nguồn từ vùng Mường Mọc, tỉnh Xaysomboun của nước bạn Lào. Sông Nậm Mộ khi nhập vào Việt Nam, đoạn đến bản cánh (bản thác) thì có một con thác, ngay chỗ thác nước là bến sông “Tà” (tức bến). Tại nơi này thuyền buôn của người xuôi lên không thể vượt thác nên thường trút hàng, sau đó thuê người gồng gánh hàng ngược lên phía Lào. Ngày ấy bến bản Cánh tấp nập kẻ bán người mua nên gọi là bến “Cạ” (tức bến buôn). Tà Cạ có nguồn gốc từ đó. Sau này lập xã, chính quyền đặt tên là xã Tà Cạ, còn bản Cánh, ít ai nhớ rằng bản Cánh có tên cổ là “Bản Cánh Tà Cạ” (Bản thác bến buôn). Cả hai cụ Vy Văn Xúc và La Văn Chánh cùng nhấn mạnh nét văn hóa Thái quê mình. Hai ông cho rằng ngôn ngữ Thái nơi đây có nhiều điểm chung với ngôn ngữ Lào. Ngay cả tên của ông Xúc cũng đặt theo nghĩa tiếng Lào, “Xúc” tức là hạnh phúc. Bố mẹ đặt tên con để cầu mong luôn hạnh phúc. Người Lào cũng nhiều người có tên Bun Xúc là thế.
Ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An (nay là Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An) trao bức trướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Nghệ An tặng Nhân dân và cán bộ huyện Kỳ Sơn, mang dòng chữ: "60 năm phát huy truyền thống anh hùng đoàn kết, đổi mới, xây dựng và phát triển".
Đặc biệt hai cụ trăn trở với tên gọi địa danh Mường Xén và mong khi sáp nhập với một địa bàn nào đó thì không bị mất nghĩa. Mường Xén có từ khi Kỳ Sơn chưa tách huyện từ Tương Dương. Theo đó, ngày 17/5/1961, huyện Tương Dương được chia thành hai huyện Tương Dương và Kỳ Sơn. Mường Xén với nghĩa từ là miền đất trăm ngàn, giầu có sầm uất. Ngay từ khi chưa có tên huyện, Mường Xén đã là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội của vùng đất biên giới có chung đường biên với Lào hơn 200 cây số. Đến nay Mường Xén trở thành vùng cư dân sầm uất, năng động với nhiều dịch vụ buôn bán lẻ và dịch vụ bản địa, đưa thu nhập bình quân đầu người đạt gần 50 triệu đồng/người/năm; có 5 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Khi tôi chuẩn bị về xuôi, hai cụ ghé tai, nếu Mường Xén có sáp nhập với Tà Cạ thì đừng ghép tên thành Mường Cạ nhé, nghe thế nào ấy, tốt nhất giữ tên Mường Xén để đâu đâu cũng nhớ. Tôi bày tỏ sự ghi nhận đề nghị đó và muốn chuyển lời hai cụ tới người đứng đầu của huyện là Bí thư Vi Hòe và Chủ tịch Nguyễn Viết Hùng. Và điều đặc biệt tôi nhận thấy Bí thư Vi Hòe và Chủ tịch Nguyễn Viết Hùng như là hai trong một, luôn đoàn kết đồng cảm, đồng hành.