Mỗi dịp tháng 7, tôi lại ngược lên miền Tây Bắc Xứ Thanh thắp nén nhang cho Mẹ Việt Nam Anh Hùng (VNAH) Hà Thị Nghé, sống thọ 97 tuổi, ở thôn Tiên Tiến, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh thể hiện sự tri ân nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27/7.
Như Thanh là huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Thanh Hóa, ở đó có Mẹ VNAH Hà Thị Nghé. Mẹ có hai người con là liệt sĩ hi sinh trên chiến trường biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Người mẹ kiên trung một lòng vì Đảng, vì dân, hiến những đứa con đứt ruột của mình vì độc lập tự do cho của đất nước. Một người mẹ chịu thương chịu khó, cặm cụi nơi nương rẫy, rừng suối, vượt lên hoàn cảnh nghèo nàn, túng bấn, luôn là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.
Mẹ VNAH Hà Thị Nghé
Nhớ lần lên thăm mẹ, tôi ở lại cùng mẹ nấu cơm, soạn bữa ăn trưa. Mẹ đãi khách bằng món rau và măng rừng, vài con tép rang và bát canh đạm bạc. Theo tôi, đó là món đặc sản của thành phố, bởi được cùng ngồi ăn với mẹ là cả niềm vui xen lẫn tự hào. Tôi nhìn đôi mắt mẹ, toát lên ánh mờ của người mẹ mất con và khóc khô cả mắt khi nhận tin cả hai đứa hi sinh. Tôi nói, để con bón cho mẹ ăn nhé, mẹ bảo, không cần đâu, mế vẫn tự xúc ăn được mà! Quả đúng vậy, mẹ đã tự phục vụ bản thân từ ngày hai đứa con ra trận. Mắt tôi cay xè, sống mũi như muốn ngạt thở, thương mẹ già yếu, tay run run bê bát cơm. Người mẹ ấy đã mòn mỏi chờ con rồi mong con sau ngày chiến thắng.
Nhà mẹ ở cuối con đường mà mùa khô thì bám bụi, mùa mưa thì lầy thụt. Để chia sẻ và giúp đỡ gia đình Mẹ Hà Thị Nghé,Công an huyện Như Thanh, Thanh Hóa đã huy động 60 cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị phối hợp với thanh niên địa phương làm đường bê tông vào nhà mẹ. Nay con đường đã sạch thoáng. Đây cũng là một trong những hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa mà nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, các nhà hảo tâm, thường xuyên tri ân, chăm sóc, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn, trong đó có mẹ Hà Thị Nghé, bằng những việc làm cụ thể; thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam và cũng là trách nhiệm của thế hệ nối tiếp đối với người có công với nước, góp phần giáo dục bồi dưỡng chủ nghĩa anh hùng cách mạng đối với thế hệ mai sau.
Cán bộ chiến sĩ Công an huyện Như Thanh và thanh niên địa phương làm 100 mét đường Bê tông vào nhà Mẹ VNAH Hà Thị Nghé.
Trước ban thờ hai người con, mẹ chắp tay lặng lẽ, thẫn thờ, mắt nhìn chăm chăm hai di ảnh mà đã nhiều năm như vậy rồi mẹ vẫn thế. Tôi bỗng nhớ câu ứng vào đời mẹ “Hai lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ....” . Trước mặt mẹ là hai tấm Bằng Tổ quốc ghi công hai người con của mẹ: Liệt sỹ Lương Văn Tăng, SN 1954, hy sinh năm 1978 và liệt sỹ Lương Ngọc Băng, SN 1957, hy sinh năm 1979, đều tại chiến trường biên giới Tây Nam. Mẹ cho biết, thường thì mỗi dịp lễ, tết hay ngày kỉ niệm Thương binh liệt sĩ 27/7 hàng năm, các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể và bà con giềng xóm đều đến động viên tặng quà cho mẹ. Nhiều người còn ở lại cùng mẹ nấu ăn, chuyện trò rôm rả làm mẹ rất vui... Mẹ ngồi đó, ánh mắt nhòe khô nhìn xa, trông ngóng, như là con mẹ sắp về. Mẹ Nghé kể. hồi nhỏ, Tăng là đứa con rất hiếu thảo và khéo tay. Nó làm hết mọi việc trong nhà vì thương mẹ. Nó bảo, mẹ khổ nhiều rồi nên muốn mẹ có thời gian nghỉ ngơi. Tăng còn là đứa chăm học và học rất giỏi. Khi đến tuổi trưởng thành, nó viết đơn tình nguyện nhập ngũ, và từ đó, nó đi đằng đẵng, mẹ chỉ mong được ôm nó một lần. Ấy vậy mà đấy chỉ là điều ước của mẹ thôi. Vừa kể, người mẹ run lên bần bật, hai dòng lệ hiếm hoi chảy mãi, mẹ đã khóc nhiều đến cạn khô nhưng tiếng nấc cứ như xói vào tim tôi. Nhìn mẹ, tôi cũng dàn dụa nước mắt và không nén nổi lòng cảm thương xúc động. Lặng một hồi lâu, mẹ chia sẻ tiếp. Năm 1979 là năm mẹ nhận tin con trai thứ hai hi sinh... Vậy là cả hai đứa ra đi mãi mãi, vừa kể, mẹ lại nấc lên khô khốc, nước mắt mẹ đã cạn vì khóc ròng gần 50 năm nay. Chiến tranh đã đi qua gần 50 năm rồi, nhưng những vết thương lòng chưa thể gắn hàn trong những người MVNAH như mẹ Hà Thị Nghé đây. Đến thăm mẹ, tôi càng hiểu hơn về sự hy sinh của những Bà mẹ VNAH trên đất nước hình chữ S của chúng ta. Và hiểu thêm ý chí sắt son của các mẹ VNAH đã vượt lên hoàn cảnh, tuổi già, sự cô đơn để sống làm gương cho con cháu, cho cộng đồng, xã hội và đất nước. Tấm gương của các mẹ luôn chói người, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay.
Sinh thời mẹ luôn được các cơ quan đoàn thể nhận chăm sóc phụng dưỡng
Được biết, năm 1995, các cấp ngành liên quan đã đưa được hài cốt của liệt sĩ Lương Văn Tăng về an nghỉ tại nghĩa trang quê nhà, còn phần mộ của con trai thứ hai vẫn chưa được quy tập, mãi đến năm 2012 mới đưa được anh về. Nguyện vọng của gia đình đã được bù đắp và đến năm 2013, chồng mẹ, ra đi trong sự thanh thản. Từ đó, mẹtiếp tục là trụ cột, là chỗ dựa tinh thần lớn cho cả họ hàng. Trong cuộc sống thường ngày, mẹ luôn răn dạy các con, cháu phải luôn phát huy truyền thống của gia đình cách mạng, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế; trong gia đình phải kính trên, nhường dưới; đối với bạn bè, chòm xóm phải đoàn kết, thân thiện,yêu thương, giúp đỡ… Chính vì vậy, các con mẹ giờ đây đều yên bề gia thất, có công việc ổn định, mẹ luôn nhận được sự yêu quý, kính trọng của con cháu cũng như bà con lối xóm, và gia đình mẹ nhiều năm liên tục đạt danh hiệu gia đình văn hoá tiêu biểu. Tôi viết bài này nhằm tri ân tháng 7, tháng mà tất cả chúng ta đều hướng tới công tác đền ơn đáp nghĩa, đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ nhân ngày 27/7.
Nguyễn Thị Bé - Giáo viên trường THCS Quảng Châu- TP Sầm Sơn, Thanh Hóa