Cựu Bí thư Huyện ủy nặng lòng với quê hương      

Thứ tư - 13/11/2024 05:53 98 0
Về Đức Thọ, Hà Tĩnh, đi đâu cũng nghe người dân kháo nhau “Đường ông Song, Cầu ông Song, Đập ông Song, Trụ sở, Nhà khách ông Song”... để ghi nhớ công lao của cựu Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Song
Cựu Bí thư Huyện ủy nặng lòng với quê hương      

         




Ông Nguyễn Văn Song, cựu Bí thư Huyện ủy Đức Thọ được người quê yêu mến

Ông sinh ra trong một gia đình nghèo, không may bố bị mất sớm khi mới 3 tuổi, nên mẹ ông phải tần tảo, bươn chải, làm lụng vất vả để nuôi ông ăn học và trưởng thành.
Tuổi thơ của ông không “dữ dội” như hoàn cảnh của các cậu bé Mừng, bé Lượm, bé Vịnh trong tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” của nhà văn Phùng Quán. Nhưng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, neo đơn và quê hương đang đối mặt với cuộc chiến tranh phá hoại dã man của đế quốc Mỹ nên bước vào đời, ông đã có ý thức phấn đấu, rèn luyện để vượt qua mọi gian nan thử thách.
Không phụ công ơn trời biển của người mẹ sinh thành, học xong cấp II (hệ 10 năm), ông vào học Sư phạm Bổ túc văn hóa rồi làm giáo viên, làm Bí thư chi đoàn, Bí thư Đoàn xã. Từ một cán bộ đoàn ưu tú, năm 1969 ông vinh dự được kết nạp Đảng lớp “Đảng viên Hồ Chí Minh” khóa đầu tiên và sau đó giữ chức vụ Thường trực Đảng ủy xã khi mới tròn 24 tuổi.
Là một cán bộ trẻ, luôn năng động, hoạt bát; làm việc có nguyên tắc và hiệu quả nên các năm 1974 - 1975, ông được Huyện ủy Đức Thọ điều động tham gia Đoàn công tác giám sát thực hiện Nghị quyết 195 và Chỉ thị 192 của Đảng. Đây là nhiệm vụ mới khá nặng nề nhưng bằng phẩm chất, nghị lực của một đảng viên trẻ, ông đã hoàn thành tốt trách nhiệm được giao.
Sau đó, ông được cấp trên cử ông đi học lý luận chính trị ở trường Đảng mang tên Tổng Bí thư Trần Phú. Học xong, ông được phân công về làm cán bộ Giáo vụ trường Tổ chức - Kiểm tra Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh. Năm 1981, ông được phân công về làm việc ở Ban tổ chức Huyện ủy Đức Thọ rồi được bầu vào BCH Huyện ủy, Phó trưởng Ban tổ chức Huyện ủy. Thời gian này, ông được giao nhiệm vụ làm Trưởng Ban công trường, chịu trách nhiệm xây dựng tòa nhà 3 tầng trụ sở của Huyện ủy. Bằng tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm cao, công trình trọng điểm của Huyện ủy do ông phụ trách đã hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng và mỹ thuật hoàn hảo được giới chuyên môn đánh giá cao. Do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ông được bầu vào Thường vụ huyện ủy và phụ trách kinh tế toàn vùng Thượng Đức Thọ. Đây là một nhiệm vụ mới, diện điều hành quản lý rộng, liên quan đến nhiều đầu mối, đối tượng và công việc khác nhau. Nhưng bằng trí thông minh, bản lĩnh và kinh nghiệm được tích lũy, đặc biệt với tâm nguyện: Tất cả vì quê hương giàu đẹp, đổi mới, vì đời sống ấm no, hạnh phúc của người dân, ông đã ngày đêm lao tâm khổ tứ, vắt óc suy nghĩ để tìm ra cách làm, giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho vùng quê nghèo miền Thượng Đức. Cụ thể trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế trang trại, đồi rừng, ông chỉ đạo quyết liệt trồng 3 loại cây chủ lực: Chua (cây cam, cây chanh), ngọt (cây mía) và chát (chè xanh, chè búp). Nhờ phù hợp với thổ nhưỡng và tiểu vùng khí hậu, 3 loại cây nói trên được nông dân hưởng ứng đưa vào trồng đại trà và đạt sản lượng khá cao. Thị trường tiêu thụ tốt đã góp phần nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn Thượng Đức. Nhiều gia đình nhờ thu hoạch từ cam, chanh, mía, chè… đã xây dựng được nhà kiên cố, khang trang, sắm được nhiều đồ dùng sinh hoạt đắt tiền như: Ô tô, xe máy, tivi màn hình rộng, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa nhiệt độ và các phương tiện sản xuất tiên tiến .v.v.
Ông nhận thức: Muốn xây dựng Nông thôn mới, điện phải đi trước một bước. Vì thế ông quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, phối hợp với ngành điện xây dựng trạm điện trung gian Rú Tý, để cấp điện cho tất cả các xã vùng Thượng Đức Thọ. Cùng thời gian này, ông cho khảo sát và thi công xây dựng hồ thủy lợi Cây Khế ở xã Đức Liên để dẫn nước tưới tiêu cho nhiều héc ta ruộng bị khô hạn trong xã.
Những năm từ 1991 đến 1999, với vai trò là Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Phó chủ tịch UBND huyện, ông được phân công phụ trách khối kinh tế công thương nghiệp, xây dựng cơ bản và đối ngoại. Đây là thời gian ông bỏ nhiều công sức, trí tuệ cùng tập thể huyện ủy, UBND huyện, lập nhiều Dự án kinh tế kết nối đầu tư để xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng trên địa bàn huyện Đức Thọ, trong đó công trình thủy lợi Đập Am ở xã Đức Đồng, làm cho bộ mặt nông thôn của huyện Đức Thọ thay đổi từng ngày.



Toàn cảnh một góc thị trấn Đức Thọ

Ông tâm sự, trong cuộc đời hoạt động cách mạng, công lao đóng góp cho quê hương khá nhiều, nhưng không có sự kiện nào, kỷ niệm nào vui, dào dạt cảm xúc và khắc sâu trong con tim, tâm khảm của ông như sự kiện xây dựng và khánh thành Khu Di tích lịch sử nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Tổng bí thư Trần Phú. Năm 2001 ông là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy - Trưởng Ban tổ chức và là người chịu trách nhiệm chính xây dựng và khánh thành khu Di tích quan trọng này. Việc tổ chức lễ kỷ niệm của Người đã có Nghị quyết chủ trương của TW và Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Vì đây là một sự kiện chính trị quan trọng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Tĩnh nói riêng và cho cả nước nói chung. Nhưng làm thế nào, lấy nguồn kinh phí ở đâu hàng trăm tỷ đồng để xây dựng, trong khi nguồn tài chính của tỉnh và huyện còn rất hạn chế. Là một cán bộ luôn năng động, sáng tạo trên cơ sở nguồn lực của tỉnh, ông quyết định ra Hà Nội xin gặp trực tiếp Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và một số Bộ, Ngành để báo cáo cụ thể kế hoạch xây dựng Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Trần Phú. Sau khi lắng nghe ông trình bày ý tưởng, tầm quan trọng và ý nghĩa chính trị đặc biệt về Đề án xây dựng Khu lưu niệm của Cố Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang rất đồng tình và chỉ đạo các Bộ, Ngành trung ương, Tỉnh ủy Hà Tĩnh khẩn trương đầu tư tài chính để thực hiện. Thế là ước mơ cháy bỏng của ông và của Đảng bộ huyện Đức Thọ đã thành hiện thực. Khu Di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú tọa lạc trên một khuôn viên rộng 47.240.4m2 nhìn ra bến Tam Soa thơ mộng của sông La huyền thoại. Đây là vùng núi sông, cảnh quan đẹp tuyệt vời, là nơi ghi nhận hàng triệu bước chân du khách thập phương trong và ngoài nước về với địa chỉ đỏ tưởng niệm Tổng Bí thư Trần Phú, cùng cảm phục ngưỡng mộ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của người cộng sản kiên trung cũng như của toàn  Đảng, toàn Dân tộc.




Khu lưu niệm cố TBT Trần Phú

Song song và đồng bộ với công trình khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Trần Phú, nhiều cơ sở hạ tầng mới của Thị trấn Đức Thọ được triển khai xây dựng như: Mở đường đôi dài và rộng chạy giữa Trung tâm Thị trấn, xây dựng Sân vận động, khách sạn Sông La, Trường học mang tên nhà cách mạng tiền bối Nguyễn Thị Minh Khai, cầu đường và cầu Linh Cảm 2, đường trải nhựa đi các xã Đức An, Tùng Châu, Tân Hương, đặc biệt xây dựng quy hoạch mở rộng thị trấn Đức Thọ có quy mô đường sá rộng... đã góp phần làm thay đổi diện mạo huyện Đức Thọ nói chung và Thị trấn Đức Thọ nói riêng mang dáng vẻ văn minh, hiện đại của một miền quê đáng sống.
Niềm vui nối tiếp niềm vui, năm 2006, nhân kỷ niệm 160 năm ngày sinh Tiến sỹ, nhà yêu nước Phan Đình Phùng, ông đã có sáng kiến và mạnh dạn đề xuất 3 Dự án: Một là, Mở một con đường lớn từ nơi Khởi nghĩa đến căn cứ địa chống Pháp của cụ Phan ở núi Vũ Quang, huyện Hương Khê. Hai là, Xây dựng Nhà thờ cụ Phan Đình Phùng. Ba là, Xây Mộ và Tượng đài cụ Phan. Rất may cả 3 ý tưởng của ông đều được lãnh đạo tỉnh và ngành liên quan ủng hộ. Bởi cả 3 công trình này đều là những địa chỉ lịch sử, văn hóa tâm linh tiêu biểu nhằm tôn vinh, ghi nhớ công lao to lớn của bậc vĩ nhân yêu nước Phan Đình Phùng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của các thế hệ người Việt Nam.
Tuyệt vời hơn, hai năm sau, với chức danh là Bí thư Huyện ủy, ông lại vinh dự được chủ trì Lễ kỷ niệm 580 năm mảnh đất lịch sử được mang tên La Giang - Đức Thọ, để tri ân gần 30 đời con cháu đã có nhiều công lao đóng góp xây dựng nên vùng đất “Địa linh nhân kiệt” giàu đẹp như ngày nay.
Bảy mươi lăm năm tuổi đời, 54 năm tuổi Đảng, trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, ông là người lãnh đạo có công kiến tạo xây dựng nhiều Công trình có giá trị lớn về kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử trên quê hương Đức Thọ ngày nay.




Ông Nguyễn Văn Song (bên phải) trong Ban biên soạn sách “Đức Đồng- Đất và người”

Về với thú điền viên ở xã Đức Đồng, bên người vợ thảo hiền và con cháu nội ngoại, ông vẫn tham gia Ủy viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh, Ủy viên Hội NCT tỉnh Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tâm năng dưỡng sinh phục hồi sức khỏe Hà Tĩnh, Trưởng ban Liên lạc Hưu trí huyện Đức Thọ và là Trưởng Ban biên soạn sách “Đức Đồng – Đất và Người”.
Ông Nguyễn Văn Song xứng đáng với lời truyền tụng của người dân Đức Thọ, cựu Bí thư Huyện ủy nặng lòng với quê hương.    


Lê Hữu Quế

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

ứng dụng khcn
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập85
  • Hôm nay4,091
  • Tháng hiện tại8,086
  • Tổng lượt truy cập1,187,387
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây