Núi xa cho tôi miền kí ức

Chủ nhật - 10/11/2024 21:12 139 0
Có một sức hút mãnh liệt vô hình nào đó khi tôi đến với núi rừng. Vậy nên, dù công việc riêng chung đang rất nhiều bề bộn, tôi vẫn thu xếp để không bỏ lỡ chuyến thực tế tại Quỳ Châu, huyện núi miền Tây của tỉnh Nghệ An. Những ngày này, thu tuyệt đẹp.
Núi xa cho tôi miền kí ức


Chuyến xe khách bám theo Quốc lộ 1A về hướng Bắc, rồi rẽ vào Quốc lộ 48 hướng về biên giới Việt Lào, đoạn ngã ba Yên Lý thuộc huyện Diễn Châu, đi tiếp hơn 100 km, Quỳ Châu ở đó.
Sinh ra ở đồng bằng, cũng không nhiều kỉ niệm với vùng sơn cước, ngoại trừ vài chuyến du lịch nhỏ với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, nhưng trong tôi vẫn luôn có một tình cảm đặc biệt dành cho những mảnh đất miền cao. Trong một dáng hình cụ thể và cả trong vời vợi tâm thức về một vùng núi rừng luôn thường trực có mặt trong tôi, luôn mê hoặc tôi bởi những lý do không dễ gì cắt nghĩa. Về với xứ Quỳ là về với một vùng đất cụ thể có kiến tạo địa lý đặc trưng, có nền văn hóa giàu bản sắc: Thôn bản yên bình với những cái tên như Tân Lạc, Châu Hội, Châu Nga, Châu Tiến, Châu Bính, Châu Thuận…Hơn thế nữa vùng đất này còn gợi nhớ một Phủ Bọn, thành trì của Phủ Quỳ Xưa vang bóng một thời. Quỳ Châu có hệ thống hang động nguyên sơ vô cùng độc đáo: hang Thẳm Bua, hang Thẳm Òm, hang Có Ngụn…; những dòng thác trong lành đổ tràn ra từ khe núi: thác Khe Bàn, thác Khe Mỵ, thác Tạt Ngoi, thác Đủa…; những ngôi đền thiêng âm thầm nối chặt quá khứ với hiện tại: đền Chiêng Ngam, đền bà Hương Án…; những món ăn mang đậm hồn cốt của vùng rừng núi: họ mọc, măng muối, canh ột, cá nướng, chẻo, dưa muối ống, thịt chua, rượu cần…; những váy khăn thổ cẩm rực rỡ mà dịu dàng theo người vào lễ hội và hương trầm trì níu chân người, vấn vít đến cả miền xuôi…  Quỳ Châu hội tụ đủ những yếu tố để bạn có thể thỏa sức khám phá, chiêm ngắm, trải nghiệm một chuyến du lịch sinh thái trọn vẹn cùng gia đình, bạn bè. Hoặc, bạn có thể đến Quỳ Châu, trải nghiệm vùng đất này theo cách riêng của mình.
Với tôi, về Quỳ Châu, tôi muốn dành một khoảng để ngẫm về những dãy núi xa…



Quỳ Châu có dạng địa hình núi chiếm khoảng 74% diện tích tự nhiên, hơn nửa trong đó là núi cao trên 1000 m. Núi đồi xanh thẫm, lặng im nối dài về phía chân trời: núi Phá Xăng, núi Bù Xen, núi Phá Đai, núi Phà Én… Và tất nhiên, có cả những ngọn núi không tên, những ngọn núi tôi chưa biết tên. Những ngọn núi thoạt nhìn đều mang dáng hình tương tự nhau. Trùng điệp, kỳ vĩ, vững chãi và lặng im muôn đời. Nhưng tôi chắc rằng mỗi ngọn núi đều có linh hồn riêng, mang trong mình một đời sống tinh thần riêng, với những câu chuyện và huyền thoại gắn liền với tính cách, văn hóa của con người sinh sống ở bản/mường/vùng đất đó. Tôi vẫn thường nghĩ rằng những thanh âm cất lên từ im lặng, từ trầm tích văn hoá của hàng triệu triệu năm sẽ là những thanh âm lay động, dễ chạm vào cảm xúc nhất. Quỳ Châu có Hang Bua (Thẳm Bua) độc đáo nằm trong dãy núi Phà Én, gắn với câu chuyện tình huyền thoại của nàng Ni xinh đẹp, con một phìa bản giàu có. Nàng Ni đã đem lòng yêu say đắm chàng trai nghèo cuối bản. Dĩ nhiên là tình yêu ấy bị phản đối, bị ngăn cấm. Rồi xa cách, rồi chờ đợi, nàng đã hóa thành những phiến đá lặng câm. Nước mắt khóc cho cuộc tình ngang trái, cho những chờ đợi trong tuyệt vọng cũng hóa thành những tinh anh của đá. Tương truyền, những nhũ thạch đá trong hang là nước mắt của người con gái xinh đẹp này. Có một điều rất dễ nhận ra là huyền thoại của núi thường có motip là những câu chuyện về tình yêu, về thân phận đầy éo le, trắc trở và kết thúc bao giờ cũng đầy ám ảnh: thể xác, linh hồn, nước mắt của những nhân vật chính thường hóa thành những tảng đá/ngọn núi. Nên về với núi là để lắng nghe những câu chuyện, những tâm tình, những vọng âm từ trong sâu thẳm trái tim của núi. Núi sẽ thì thầm cùng với gió, kể cho bạn nghe câu chuyện ngàn đời của những thân phận, của tình yêu trên chính mảnh đất của mình. Vì vậy, núi luôn có linh hồn và có ngôn ngữ riêng. Núi ôm trong mình câu chuyện của một đời người, của những đời người với bao trắc ẩn, ngọt lành, đắng cay…
Có những ngày tôi ước mình được về bên núi, ngồi bên núi, đi trên triền núi. Biết là niềm mong ước giản đơn, nhưng cũng đâu dễ gì thực hiện được khi bản thân chẳng mấy khi rời khỏi thành phố vì những bận rộn có tên và không tên. Nên đôi khi cứ nhắm mắt mơ về núi. Tạm rời bỏ phố xá chật hẹp, ồn ã nhưng đầy chênh vênh, trống trải để về với núi. Núi cho ta một không gian khác. Thanh bình, hoang sơ, phóng khoáng, kỳ vĩ, yên tĩnh. Và những tảng đá lặng im. Tôi thích cái im lặng muôn đời của đá, của núi. Những lặng im mà không hề có cái cảm giác lạnh lùng, để làm ta phải bật khóc, tủi hờn. Im lặng mà đầy thấu hiểu, chia sẻ, dỗ dành, xoa dịu… Đôi khi lòng đầy âu lo, thảng thốt trước sự vận động vô thường của đời sống, của vạn vật, vì biết rằng không có gì là mãi mãi… nhưng rồi lại tự mình trấn an, cân bằng lại vì biết rằng vẫn có một vật trong đời sống ấy tồn tại một cách tĩnh lặng, ít đổi thay, gần như bất biến. Mặc kệ vật đổi sao dời, mặc kệ mây tụ rồi tan, mặc kệ gió mưa vần vũ, mặc kệ bình minh và hoàng hôn tuần hoàn năm tháng, mặc kệ kiếp người sinh ra rồi cũng trở về với cát bụi... Núi cứ đứng vậy. Lặng im. Cả trăm năm, nghìn năm, triệu năm. Nên những lúc được về bên núi, mơ về núi, tôi luôn có cái cảm giác mình đang ngồi thiền. Thư giãn, tĩnh lặng, được sống trọn vẹn với chính mình trong những khoảnh khắc rất đặc biệt của hiện tại. Rồi tỉnh thức trong một thế giới trong veo, thuần khiết, nơi chỉ có khe suối luôn thầm thỉ bài ca về cuộc sống xanh tươi, bài ca về sức sống mãnh liệt của những đại ngàn chưa bao giờ bất lực và tuyệt vọng.
Núi là nơi chốn để bao đời nay con người nương vào. Núi cho những cánh rừng xanh tươi; những khe, thác ngọt lành; những sắn ngô, khoai gạo… Dĩ nhiên là người miền núi gắn bó nặng sâu với núi rừng của họ. Kể cả những người xa núi về xuôi, về với phố xá, thì tôi vẫn tin rằng núi vẫn luôn thường trực trong họ, núi vẫn theo họ trong mọi dáng vẻ, thẳm xanh ở một góc rất sâu trong tâm hồn những người con của núi. Thấy núi là thấy một cái gì đó quá ư thân thương, quen thuộc, chở che.
Nhưng núi cũng là chốn linh thiêng. Sự kỳ vĩ, hùng tráng, huyền bí của ngọn núi và đặc biệt, trong cảm thức thuần túy, trực quan, đỉnh núi là nơi tiếp giáp, giao nối giữa trời và đất, là nơi trú ngụ của các bậc thần linh, cụ thể là thần núi. Núi vì vậy tự mình cũng toát ra dáng vẻ của sự uy linh và bí ẩn. Những huyền thoại về núi trên thế giới (và cả Việt Nam) đều cho biết rằng những vị thần uy linh thường chọn những đỉnh núi cao để trú ngụ. Ở Việt Nam, rất nhiều nơi thờ thần núi, mà điển hình là thần Tản viên, được xem là một trong “tứ bất tử” trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Tìm hiểu văn hóa thờ thần núi ở Việt Nam và những khu biệt về mặt văn hóa của người Việt ở phương diện này là một điều vô cùng thú vị. Ở đây, xin được lạm phép nhắc tới “tính thiêng” của núi, để làm căn cứ giải thích cho tâm lý ngưỡng vọng khi nghĩ về núi, để thấy được núi còn là chốn thiêng liêng, bí ẩn, tâm linh. Núi cho ta không gian của niềm tin. Rằng núi sẽ nghe thấu những điều ta mong cầu, những câu chuyện sâu kín nhất của lòng người và sẽ hóa giải tất cả… Nên khi lòng thấy chông chênh, nhiều ẩn ức, những lúc cô đơn, mệt mỏi, thì cứ bước chân về bên núi, chuyện trò cùng núi, gửi lời nguyện cầu vào vách núi. Núi là nơi nương náu bình yên, tin cậy, chốn làm thanh sạch tâm hồn. Nên có những lúc thân ở xuôi mà tâm vẫn trốn về núi để trú ngụ, để tìm một điểm tựa và để được hoài sinh…

Có đôi khi tôi cũng thử lý giải vì sao mình lại có một tình cảm đặc biệt với những vùng đất miền cao. Vì sao nhiều người cũng có một tình yêu đặc biệt dành cho núi rừng. Trong rất nhiều lý do - tất nhiên là rất chủ quan, rất cá nhân, thậm chí có thể cũng là rất vẩn vơ nữa, để cắt nghĩa, để lý giải, thì có một lý do tôi nghĩ ngợi nhiều hơn cả. Phải chăng đó là tiếng gọi mãnh liệt, thiêng liêng của cội nguồn? Nghĩ về núi là nghĩ về cội nguồn linh thiêng. Tiên tổ, tiền nhân của chúng ta vốn thuộc về núi rừng, thuộc về hang động. Từ thuở hồng hoang, loài người đã biết dựa vào núi non để sinh tồn. Hòn đá thắp lên ngọn lửa làm chín thức ăn là bắt nguồn từ núi… Nên cảm thức về núi rừng là cảm thức tìm về nguồn cội. Bài học vỡ lòng dành cho trẻ thơ là hai câu ca dao “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Không phải đứa trẻ nào cũng biết đến núi, nhưng câu ca dao với hình ảnh ngọn núi thì có lẽ không làm chúng lạ lẫm, người lớn cũng không khó để giải thích cho một đứa trẻ hiểu rõ nội dung của câu ca. Hoặc như thú chơi trưng bày hòn non bộ của nhiều người xưa nay chẳng hạn. Hòn non bộ (giả sơn) là những thiết kế nghệ thuật được các nghệ nhân hoặc kiến trúc sư mô phỏng, tái hiện những ngọn núi nhằm phù hợp với việc bài trí ở một không gian nhỏ (vườn nhà, sân nhà, chùa chiền....). Hiện nay, những thiết kế về mẫu vật này trên thị trường rất phong phú và được bày bán rộng rãi. Chỉ cần gõ từ khóa “hòn non bộ” là bạn có thể thỏa thích tìm cho mình một mẫu phù hợp để trưng bày. Hoặc như quan niệm phong thủy “tựa sơn hướng thủy” của người Việt xưa nay cũng là biểu hiện rất cụ thể của tâm lý nương dựa, cậy tin vào núi để đón nhận vượng khí, đón nhận những điều may mắn, tốt đẹp. Và ngày nay, khi mà khoa học và công nghệ đã đạt đến những đỉnh cao, nhiều quan niệm đã hoàn toàn thay đổi thì quan niệm phong thủy “tựa sơn” của người Việt vẫn dường như chưa bao giờ bị lung lạc. Khi xây nhà, thậm chí là xây dựng khu đô thị, hầu hết các kiến trúc sư đều tìm ra thế đất dựa lưng vào núi hoặc có núi lớn che chắn để thiết kế công trình của mình, nhằm mong cầu những điều tốt đẹp. Tất cả những biểu hiện này trong đời sống đều nói lên rằng, núi luôn có mặt, có mặt mọi nơi, mọi lúc trong đời sống tinh thần của người Việt. Như là sự vẫy gọi linh thiêng từ nguồn cội. Vậy nên, dù ở miền xuôi, dù nơi phố phường chật hẹp, núi vẫn luôn hiện diện, theo một cách riêng. Gần gũi, thương mến mà thiêng liêng. Như là một tình yêu thuần khiết, tự nhiên, sẵn có từ trong huyết quản. Núi đưa con người men về cội nguồn, về miền khởi thủy và lặng im xoa dịu bớt những phồn tạp, ồn ào của văn minh đô thị…
Lại có lúc tôi mơ mình vượt qua những triền dốc, vượt qua những lưng chừng núi, qua những trùng điệp, ghồ ghề của đá, những phóng khoáng, rì rào của gió. Rồi chạm vào những đỉnh núi mù sương. Tan trong sương và đón những tia nắng ấm áp của mặt trời… Nhưng loay hoay mãi, mò mẫm mãi, rốt cuộc vẫn thấy mình đang ở đâu đó, nơi triền thấp nhất của những trùng điệp núi non, hoang hoải với những giấc mơ còn dang dở. Như trái tim, tâm hồn đã thuộc về núi mà vẫn chưa thấu hiểu núi đến tận cùng. Nên nghĩ về núi là nghĩ đến những đỉnh núi xa mờ, những ước mơ, những khát vọng, những chân trời chưa và sẽ không bao giờ khám phá hết…



Núi là vậy. Nên núi không đơn thuần là những dấu chỉ địa lý với những kiến tạo địa chất riêng biệt, cụ thể. Núi là hồn cốt, là tâm linh, là câu chuyện về cuộc đời, câu chuyện văn hóa của một vùng/miền/dân tộc. Hãy giữ cây, giữ rừng, giữ lấy mạch nguồn cho núi, đừng để núi cằn khô. Núi có thể lặng im muôn đời, nhưng đừng bao giờ để núi phải chết đi vì những tổn thương, vì những ứng xử lạnh lùng, vô cảm. Nếu vậy, lòng người chỉ còn là nỗi hoang hoải, bơ vơ…

                                                                                    Vinh, những ngày cuối Thu – 2024.
                                                                                                CAO THỊ ANH TÚ
                                                                       
 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

ứng dụng khcn
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập65
  • Hôm nay4,091
  • Tháng hiện tại8,195
  • Tổng lượt truy cập1,187,496
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây