Từ ngày 25 đến 27/3, Nhóm ca nhạc “Biên cương Xanh” có chuyến hành hương dọc đường biên thăm các Đồn Biên phòng, giao lưu với cán bộ chiến sĩ và trải nghiệm danh lam thắng cảnh các huyện vùng cao Nghệ An là Quế Phong, Tương Dương và Kỳ Sơn.
Một góc bản Mường Lống, huyện Kỳ Sơn
Đại tá Vi Tố Định, nguyên Phó chỉ huy Trưởng Bộ đội Biên phòng Nghệ An (BĐBP), là người sáng lập Nhóm ca nhạc “Biên cương xanh” Nghệ An. Ông là người giỏi “chịu đựng” những cá tính của mỗi thành viên Nhóm để quy một mối đoàn kết hòa thuận, hoạt động hiệu quả, ấn tượng về chất lượng các chương trình biểu diễn của Nhóm. Ông luôn chan hòa, dí dỏm, hài hước dân dã, nghĩa tình với tất cả mọi người. Cũng chính vì thế, khi nghe tin ông có mặt tại Đồn Biên phòng Mỹ Lý thì cả Chủ tịch và Bí thư Đảng ủy xã Na Loi vội đánh đường vượt núi ghé thăm ông. Chị Pịt Thị Hà- Chủ tịch xã Na Loi gọi ông là bố Định.
Đại tá Vi Tố Định, nguyên Phó chỉ huy Trưởng Bộ đội Biên phòng Nghệ An
Đại tá Vi Tố Định, nguyên Phó chỉ huy Trưởng Bộ đội Biên phòng Nghệ An trò chuyện cùng cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng
Nhạc sĩ, nghệ sĩ, nghệ nhân Lê Hoàng- Trưởng nhóm Thái học huyện Con Cuông rất ấn tượng khi giao lưu với đoàn, cho rằng, không ngờ những nghệ sĩ biên cương lại có chương trình ca nhạc hay đến vậy, hành trình chặng đường biên quanh co khúc khửu mà tiếng hát mọi người quên tuổi tác và mệt mỏi. Một thành viên nhóm tự hào chia sẻ, nhờ Đại tá Vi Tố Định cả đó. Chuyến đi có sự góp mặt của những cái tên nghệ sĩ quen thuộc: Thế Quý, Thu Hoà, Kim Thoa, Thu Hồng, Thanh Huyền, Lê Huấn, Minh Thống, Minh Dân... Chặng đường mà Nhóm vượt có chiều dài khoảng 200 cây số nối từ huyện Quế Phong sang tận huyện Kỳ Sơn có tên gọi “Đường vành đai biên giới Tây Nghệ An”. Đây là tuyến đường góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh dọc tuyến biên giới Việt Nam- Lào. Đây cũng là con đường đẹp nhất miền biên viễn góp phần làm cho 3 huyện thuộc diện nghèo nhất cả nước ngày càng thay da đổi thịt, tiếp cận với kinh tế thị trường, người dân ấm no hạnh phúc. Mỗi tên bản, tên mường, ngọn núi, suối khe, đều toát lên những vẻ yêu kiều, ngoạn mục, cùng những gam màu kì vĩ mộng mơ thu hút trí tò mò khám phá của du khách như: Na Hỉ, Có Hạ, Huồi Cọ, Nhôn Mai, Mai Sơn, Mỹ Lý, Huồi Tụ, Mường Lống, Phà Đánh, Xốp Tụ... Ngồi trên xe, Đại tá Vi Tố Định, nguyên Phó chỉ huy Trưởng BĐBP Nghệ An giải thích về miền có Đồn Biên phòng Tri Lễ chốt giữ. Miền đất này giáp biên với huyện Mường Quắn (Muengquan) của tỉnh Hủa phăn (Huaphanh) Lào. Miền này có tên cổ gọi là mường Chơ Le. Đây là điểm dừng chân của nhiều dòng họ người Thái khi di cư vào miền núi Nghệ An từ các tỉnh Tây Bắc Việt Nam và Tây Thanh Hóa. Vùng đất đẹp mê hồn này đã vào câu ca điệu hát của người Thái cổ “Chơ Le Mương Quang đín nhan phà tằm. Hùng cằm chạu páy tằm ma piêng”... (dịch nghĩa: Chơ le, Mường quang đất bằng trời thấp, sáng trưa chiều tối đi, về vẫn trời thấp đất bằng”. Từ các Đồn Biên phòng Tri Lễ, Nhôn Mai nhìn ra bao la núi rừng, mường bản đều cho ta cảm giác bình yên, ấm áp cảnh và người. Đại tá Nguyễn Đông Tùng, nguyên là Chính ủy BĐBP Hà Tĩnh, bình thường anh luôn pha trò cười nói, cốt để mọi người tìm vui, sảng khoái, nhưng khi đặt chân đến Đồn Biên phòng Tri Lễ, nơi anh có 3 năm làm Chính trị viên, thì anh bùi ngùi, đi vòng, ngó nghiêng căn phòng lính mỗi khi tuần tra mệt mỏi thường về trú chân. Cả câu chuyện của Đại tá Vi Tố Định nguyên Phó chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An, hay Đại tá Nguyễn Thế Hùng, nguyên Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhôn Mai, hay Trung tá Lê Công Huấn, có 8 năm ở Đồn Biên phòng Mỹ Lý, bình thường sôi nổi dí dỏm là thế nhưng mỗi khi chạm vào kí ức Biên phòng thì ai nấy đều lạc giọng, mắt ngấn lệ.
Đại tá Nguyễn Đông Tùng- Nguyên Chính ủy BĐPB Hà Tĩnh, nguyên Chính trị viên Đồn Biên phòng Tri Lễ
Đại tá Nguyễn Thế Hùng, nguyên Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhôn Mai
Nhà thơ Cẩm Thạch thì rưng rưng, đây là lần thứ 3 chị trở lại với Đồn Biên phòng Nhôn Mai. Chị từng làm thơ và bài hát về Đồn Nhôn Mai, nhưng lần nào trở lại chị cũng được chạm vào cảm xúc mới lạ. Chuyến đi này chị có hàng chục quyển sách tặng các chiến sĩ Biên phòng.
Nhà thơ Cẩm Thạch tặng sách cho cán bộ chiến sĩ Đồn BP Nhôn Mai
Buổi tối tại thị trấn Mường Xén, tiếp đoàn có Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn- Vi Hòe và Chủ tịch huyện- Nguyễn Viết Hùng. Hai vị lãnh đạo cấp cao của huyện Kỳ Sơn cho biết, con đường mà đoàn Nhóm hát “Biên cương xanh” vừa đi qua được khánh thành vào cuối năm 2015, là đòn bẩy thúc đẩy về mọi mặt trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững Quốc phòng, an ninh biên giới miền Tây Nghệ An. Cách đây hơn 20 năm vùng đất này có nhiều xã được coi là vùng lõm, nghĩa là địa bàn có khó khăn về đời sống, kinh tế, kém phát triển, nóng về ma túy, buôn lậu, tệ nạn xã hội... nhưng nay thuật ngữ ấy được giải tỏa và Kỳ Sơn không còn “vùng lõm”. Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn – Vi Hòe nhấn mạnh.
Đoàn "Nhóm Biên cương xanh" chụp ảnh lưu niệm cùng Bí thư và Chủ tịch huyện Kỳ Sơn
Đặc biệt chuyến dọc biên miền Tây Nghệ An đi đâu chúng tôi cũng được ngắm cảnh đẹp, thưởng thức ẩm thực vùng cao và cảm nhận những món ăn sạch và ngon nhất, hiếm nơi nào có được.