Đến Lễ hội Hang Bua, ngắm gái Thái, ăn món ngon, thưởng ngoạn thiên nhiên hùng vĩ
Chủ nhật - 03/03/2024 20:401.6800
Du khách không thể quên không khí sôi động hào hứng vui nhộn trong 3 ngày diễn ra Lễ hội Hang Bua ở huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An từ ngày 29/2 đến 2/3/2024.
Rộn ràng Lễ hội Hang Bua Ngày đầu xuân, vượt gần 170 cây số đường nhựa phẳng mịn, du khách đến với bản Bua, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, nơi hợp lưu của 3 con sông để thành sông Hiếu. Vùng đất nổi tiếng tự bao đời về phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng với cái tên Chiêng Ngam (Mường đẹp)- theo tiếng Thái. Chiêng Ngam là miền Thái cổ với đa số là bà con dân tộc Thái sinh sống; có hàng chục cái guồng nước miệt mài đưa nước lên tưới cho cánh đồng bạt ngàn lúa nước của các xã Châu Tiến, Châu Bính và một phần xã Châu Thuận; phản ánh nền văn minh lúa nước của người Thái có từ thuở xa xưa và người Thái không du canh du cư đốt nương làm rãy từ thời đó. Quỳ Châu, miền Thái cổ nổi tiếng và ấn tượng du khách bởi mỗi năm có một lễ hội vô cùng đặc sắc, khác lạ, diễn ra trước cửa một hang động đẹp gắn tên bản Bua-Thẳm Bua. Tiếng Thái “nỏng bua” tức là “ao sen”, thẳm bua cũng có nghĩa là động sen.
Những chiếc guồng phản ánh nền văn minh lúa nước của đồng bào Thái Lễ hội thường diễn ra 3 ngày sau tết Nguyên đán hàng năm và còn vui hơn Tết, bởi hội tụ nhân dân các dân tộc miền Tây Nghệ An và du khách thập phương đến vui hội. Năm nay, bà con Quỳ Châu vui mừng được đón đoàn khách xa nhất đến từ huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, địa phương kết nghĩa thời chống Mỹ cứu nước; ấy là chưa kể những đoàn khách lẻ đến từ nhiều địa phương trong cả nước và nước ngoài. Lễ hội được đón ông Bùi Đình Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh, bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Nghệ An và các đoàn khách tỉnh, khách các huyện bạn...
Ông Bùi Đình Long-Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trao cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia thi tại Lễ hội Trong 3 ngày hội từ 29/2 đến 2/3/2024, lễ hội diễn ra các hoạt động thu hút người xem như: Thi văn nghệ của 12 đơn vị xã, thị trấn; Thi ẩm thực, thi viết chữ Thái cổ, thi cuốn hương trầm, thi các trò chơi dân gian của đồng bào Thái và thi đấu thể thao khác. Đặc biệt, điểm nhấn của lễ hội là thi người đẹp Hang Bua với sự tham gia của 27 thí sinh đến từ 12 xã, thị trấn và một số trường học. Ban Giám khảo đã trao giải Nhất "Người đẹp hang Bua" năm 2024 cho thí sinh Lương Y May đến từ xã Châu Hạnh; sinh năm 2004, hiện đang là sinh viên chuyên ngành Sư phạm Tiếng Anh, Trường Đại học Vinh.
Thi người đẹp 2024 tại Lễ hội Hang Bua 2024
thí sinh Lương Y May đến từ xã Châu Hạnh; sinh năm 2004 đoạt Giải Nhất
Lãnh đạo huyện Quỳ Châu trao danh hiệu cho các thí sinh “Người đẹp Hang Bua 2024”
Lãnh đạo huyện Quỳ Châu trao thưởng cho các thí sinh đạt danh hiệu “Người đẹp Hang Bua 2024” Ông Lang Đình Đông, chuyên gia ẩm thực Thái ở huyện Quỳ Châu cho biết, gia đình ông mang đến hội thi ẩm thực tại Lễ hội Hang Bua với 25 món, trong đó không thể thiếu những món ăn dân giã trong cộng đồng người Thái mà nay đã trở thành các món đặc sản như: Gà nướng, Thịt lợn cỏ nướng lá quýt, cá mát nướng, rau Môn lam, nấm Hết Bi lam, Nhọc khiệt (nhái) lam, Chẻo rau môn khô, chẻo măng pột, thịt giàng gác bếp, xôi nếp cẩm, Nhái nướng mắc khèn...được Ban tổ chức trao giải Nhất; đồng thời tất cả các đơn vị thi, đều bảo tồn gìn giữ phát huy các món ăn dân tộc Thái.
Thi ẩm thực dân gian dân tộc Thái
Các món ăn dân giã dân tộc Thái trở thành đặc sản Chiêng Ngam
Ông Lang Đình Đông, chuyên gia ẩm thực Thái đoạt Giải Nhất trong hội thi ẩm thực Thái lễ hội Hang Bua Trong 3 ngày, lễ hội diễn ra an toàn, ấm cúng, vui vẻ trên tinh thần đại đoàn kết các dân tộc; chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, không vi phạm nồng độ cồn... Bên cạnh đó, lễ hội còn được truyền, phát trực tiếp trên các nền tảng xã hội do Truyền thông Quỳ Châu và cộng đồng facebook, được hàng triệu người theo dõi.