Bia dẫn tích chiến thắng Phà Gianh tại thị xã Ba Đồn, Quảng Bình
Đặt chân đến Ba Đồn, CCB Nguyễn Xuân Hòa, Chủ tịch và CCB Phan Đức Quý Phó chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin thị xã Ba Đồn mời cơm tối trong nhà hàng ven sông Gianh. Bờ sông đây đó vẫn nhấp nhô những tảng xi măng, di chứng của bến phà một thời. Ông Nguyễn Xuân Hòa hào hứng kể về những chứng tích lịch sử mà Quảng Bình được ví như quầng lửa cháy suốt thời gian chiến tranh. Chỉ tính riêng xã Quảng Thuận, thị xa Ba Đồn đã có hơn 500 người hy sinh, có hơn 2.500 người bị thương và toàn bộ nhà cửa ruộng vườn bị san lấp do bom đạn, rốc két và pháo của Mỹ từ Hạm đội 7 bắn vào.
Năm1964, Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn thất bại liên tiếp ở miền Nam Việt Nam và ở Lào nên ngày 5 tháng 8 năm 1964, chúng mở cuộc hành quân bằng không quân đặt tên là “Hành quân Pierce Arrow” (Mũi tên xuyên) do 64 lần chiếc máy bay từ hai tàu sân bay Constellation và Ticonderoga đánh phá toàn bộ các khu vực thuộc Bắc Miền Trung gồm Vinh Bến Thủy (hai lần), Lạch Trường (Thanh Hóa), Hòn Gai và Cảng Gianh (Quảng Bình).
“Địch thả bom chỗ nào là hàng trăm anh em dân quân lại ra đó để hàn gắn những chỗ hổng đó để cho xe qua được phà. Đồng thời phát động toàn dân dỡ nhà ra làm hầm cho bộ đội trú ấn. “Xe chưa qua nhà không tiếc”. Ông Trần Đình Lập, nguyên Xã đội trưởng Quảng Thuận, Quảng Trạch, Thị xã Ba Đồn, Quảng Bình, kể.
Cầu Gianh
Ngày 5/8/1964, lúc 12 giờ 25 phút, ở khu vực Vinh - Bến Thủy, tám máy bay phản lực cường kích của Mỹ cất cánh từ tàu sân bay Ticonderoga mở đầu trận đánh phá; chúng chia thành hai tốp, bay thấp trên biển làm cho ra-đa của ta khó phát hiện, rồi đột nhập Cửa Sót (Hà Tĩnh), theo đó chúng lợi dụng dãy núi Hồng Lĩnh, Nam Bàn che khuất và bay thấp theo triền sông Lam để tiếp cận các mục tiêu từ phía Đông –Nam và Tây – Nam. Máy bay địch phân tốp, bắn phá các tàu hải quân đậu ở Cửa Hội. Vào lúc 12 giờ 40 phút, một máy bay AD6 của địch trúng đạn rơi xuống biển, cách bờ khoảng 10 ki-lô-mét. Ít phút sau, tàu 187 của hải quân đậu ở gần Hòn Ngư phối hợp với các trận địa pháo cao xạ trên bờ bắn rơi chiếc máy bay thứ hai.
Trận chiến đấu đầu tiên ở khu vực Vinh - Bến Thủy kết thúc lúc 12 giờ 55 phút. Hai trong số tám máy bay địch tham gia trận đánh bị trúng đạn rơi xuống biển.
Ở Quảng Bình, cùng thời điểm đánh phá Vinh - Bến Thủy, tám máy bay A4D oanh tạc các căn cứ của hải quân ta ở cửa sông Gianh, Mũi Ròn. Các tàu 161, 167, 173, 175, 177, 181, 527 của hải quân phối hợp với các lực lượng bắn máy bay trên bờ, trong đó có trung đội dân quân xã Cảnh Dương do xã đội trưởng Trương Văn Thích chỉ huy đã anh dũng đánh trả, bắn rơi một máy bay địch.
Vào lúc 14 giờ 2 phút, các đài ra-đa của hai trung đoàn 290, 291 phát hiện một số máy bay địch hoạt động ở vùng ven biển miền Bắc. Tin về hoạt động của máy bay địch được thông báo kịp thời về tổng trạm ra-đa tại sở chỉ huy Quân chủng. Khi máy bay địch vào cách thành phố Vinh 50 ki-lô-mét, trung đoàn 280 pháo cao xạ đã bắt được mục tiêu. Lần thứ hai trong ngày 5 tháng 8, thành phố Vinh kéo còi báo động. Ít phút sau, các đài ra-đa của ta phát hiện một số máy bay địch bay lên từ phía bắc. Trận chiến đấu của quân và dân ta ở khu vực Vinh - Bến Thủy cũng là trận chiến đấu cuối cùng trong ngày 5 tháng 8 năm 1964, kết thúc lúc 17 giờ.
Thời điểm đó hai tốp gồm tám chiếc F8U và AD6 cất cánh từ tàu sân bay Constellation lợi dụng vật che khuất ở khu vực Sầm Sơn, công kích các tàu hải quân của ta ở Lạch Trường (Thanh Hóa). Đại đội ra-đa 19 phát hiện được đường bay của máy bay địch. Khẩu đội súng máy phòng không 14,5 mi-li-mét bảo vệ trạm ra-đa do Đinh Trọng Nhưỡng chỉ huy kịp thời nổ súng, phối hợp chiến đấu với bộ đội Hải quân và các lực lượng vũ trang địa phương. Trận đánh kéo dài 26 phút; thêm hai máy bay địch bị bắn rơi trên vùng trời Thanh Hóa.
Ngay khi trận địa còn khét mùi thuốc súng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến thăm bộ đội tiểu đoàn 217; Thủ tướng căn dặn bộ đội phòng không: “Thắng lợi của chúng ta rất lớn, nhưng mới chỉ là trận đầu. Địch có thể còn đánh trở lại với lực lượng lớn hơn nữa. Điều quan trọng là ta phải rút kinh nghiệm để chiến đấu giỏi hơn, giành thắng lợi lớn hơn. Cần cảnh giác cao độ, luôn sẵn sàng chiến đấu. Đừng để có một sơ suất nhỏ nào...”.
Tác giả bài viết (giữa) cùng CCB Nguyễn Xuân Hòa (phải) và CCB Phan Đức Quý trong câu chuyện kể
Trong ngày 5 tháng 8 năm 1964, đế quốc Mỹ huy động 64 lần chiếc máy bay của hải quân, đánh phá ba đợt vào bốn khu vực với ý đồ dùng sức mạnh của hải quân và không quân đánh đòn bất ngờ, gây cho ta một số thiệt hại, uy hiếp và làm lung lạc ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam của quân và dân ta, nâng đỡ tinh thần đang suy sụp của ngụy quân, ngụy quyền; phô trương sức mạnh quân sự Mỹ trước nhân dân thế giới, hù dọa những kẻ hữu khuynh và “tả khuynh” trong phong trào cộng sản quốc tế, hạn chế sự ủng hộ và giúp đỡ quốc tế đối với cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta. Nhưng đế quốc Mỹ đã bị một thất bại vô cùng bất ngờ và choáng váng; 8 trong số 64 lần chiếc máy bay cất cánh đã bị bắn rơi, một giặc lái bị bắt sống. Lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai và chiến tranh Triều Tiên, không quân Mỹ nếm mùi thất bại.
Đây là chiến thắng mở đầu, khẳng định những thành tựu xây dựng kinh tế kết hợp với củng cố quốc phòng, thành tựu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, hiện đại trong 10 năm (1954 – 1964) và những thành công bước đầu trong công cuộc xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trên miền Bắc.
Quốc Khánh, Nguyệt Hằng
Nguồn tin: dientudacam.vn
Ý kiến bạn đọc