CÓ MỘT MỐI TÌNH ĐẰM THẮM MUÔN ĐỜI

Thứ sáu - 24/11/2023 04:17 116 0
XINAVA XUPHANUVÔNG
(Con trai út của Chủ tịch Xuphanuvông)
 
Đó là mối tình của ba và má tôi, của gia đình tôi và Bác Hồ và nước Việt Nam quê mẹ thân yêu.
Năm 1920, Hoàng gia Lào gửi ba tôi về học tại Trường Anbe Xarô (Albert Sarraut) Hà Nội.
Hơn mười năm sau, 1931, ba tôi qua Pháp học, nhưng người vẫn nhớ về Hà Nội, nhớ bạn bè Việt Nam khôn nguôi. Hình như đó là mệnh trời để sau này ba tôi gắn bó với Việt Nam.
Quả vậy, đầu tháng 6 năm 1937, nhận bằng tốt nghiệp cầu đường ở Pháp, ba tôi được bổ nhiệm đến công tác tại Sở Công chính Trung Kỳ, đóng ở thành phố Nha Trang.
Ngày 17 tháng 7 năm 1937, đúng vào dịp kỷ niệm ngày sinh của ba tôi, Người lên chuyến xe lửa Sài Gòn - Nha Trang. Bước xuống sân ga, lúc trời vừa sáng, Người xách vali ngơ ngác tìm nơi trọ. Có hai khách sạn giống nhau như đúc. Một cái có biển đề “Bon Air” và cái kia “Terminus”. Ba tôi đứng tần ngần không biết nên bước vào khách sạn nào, ổn định nơi ăn, ở để nhận việc làm. Người bước đại vào khách sạn “Bon Air”. Và chính tại nơi đây, ba tôi đã gặp cô Nguyễn Thị Kỳ Nam, nữ sinh Trường Đồng Khánh, Huế, đang nghỉ hè với bố mẹ là ông bà chủ khách sạn.
Bảy tháng sau, cô nữ sinh xinh đẹp đã trở thành vợ của ba tôi. Sau ngót hai mươi năm chung sống, ba má tôi đã sinh hạ được tám trai, hai gái. Tôi là con trai út.
Cuộc đời của người kỹ sư đã đưa ba má tôi đi xây dựng cầu đường khắp xứ Đông Dương. Nhiều công trình ba tôi xây dựng ở Việt Nam như các đập nước thuỷ lợi Đô Lương, Bái Thượng, Trì Nội…và các cây cầu bắc qua nhiều con sông, như sông Cả, sông Loan…Lúc ba má tôi ở Vinh để bắc cầu Yên Xuân thì Cách mạng Tháng Tám bùng nổ. Nhờ ảnh hưởng thắng lợi của cách mạng Việt Nam, nhân dân Lào đã vùng dậy đánh đuổi Pháp, Nhật, giành chính quyền. Anh trai ba tôi là Hoàng thân Phếtxarạt điện gọi Người về Lào tham gia Chính phủ cách mạng. Giữa lúc đó, vào đầu tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phái ông Lê Văn Hiến đón ba tôi ra Hà Nội gặp Người để bàn bạc về tình hình của khu vực. Tại Hà Nội, ba tôi cũng đã gặp gỡ các ông Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và các nhà lãnh đạo Việt Nam khác. Sau đó, vào tháng 10 năm 1945, cùng với những chiến sĩ quân tình nguyện Viêt Nam hộ tống, ba tôi đã trở về Lào. Cuộc hành trình lịch sử này là bước ngoặt vô cùng to lớn đã đưa ba tôi vào con đường phục vụ sự nghiệp đấu tranh cứu nước của nhân Lào chống thực dân, đế quốc xâm lược cho đến ngày toàn thắng – ngày 2 tháng 12 năm 1975.
Trong suốt hàng chục năm trời kháng chiến gian nan, hình ảnh Bác Hồ luôn ở trong gia đình tôi. Ba tôi luôn lấy Bác Hồ làm tấm gương sáng để nhắc nhở anh chị em chúng tôi noi theo mà phấn đấu trong học tập, trong công tác, trong mọi việc phục vụ nhân dân. Tình cảm của ba tôi dành cho Bác Hồ không chỉ là tình đồng chí, tình bạn chiến đấu mà còn như một tình cảm ruột thịt thiêng liêng. Trong ngăn bàn của ba tôi có những phong bì đựng ảnh. Những ảnh chụp với má tôi, Người đề ngoài bì “hai ta”. Những ảnh chụp chung với Bác Hồ, ba tôi đề “Với Pa Pa Hồ”.
Ba trăm ngày ba tôi và các lãnh tụ Lào bị bọn phản động giam cầm ở nhà tù Phôn Khêng, lúc đó tôi mới ba tháng tuổi. Má tôi đã giấu tài liệu, thư từ của Đảng quấn vào tã lót ở người tôi. Mỗi lần được vào thăm ba tôi, trước mắt địch, má đưa tôi qua song sắt nhà tù cho ba bế vào phòng biệt giam. Tài liệu mật đã tới tay ba tôi và các lãnh tụ khác qua con đường “giao liên” ấy. Và thật bất ngờ cho má tôi khi đón tài liệu ra, trong đó có bức chân dung Bác Hồ do ba vẽ đề tặng má tôi. Ngay trong phòng ngủ của ba tôi bây giờ vẫn còn hình ảnh Bác Hồ mà ba tôi đã vẽ lên bức tường trước bàn viết. Có lần, tôi làm hỏng một việc gì đó, ba tôi nói: “Bằng tuổi con, Bác Hồ đã đi tìm đường cứu nước rồi đó nghe…”. Tôi nhận lỗi và nói đùa lại với ba: “Thì mới ba tháng tuổi, con cũng đã làm “giao liên” đưa tài liệu mật của Đảng vào nhà tù cho ba và các lãnh tụ cách mạng Lào rồi còn gì”.
Có một chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam tham gia từ hồi mặt trận Thà Khẹc với ba tôi. Khi biết Người bệnh nặng, anh đã vào bệnh viện thăm. Thấy ba tôi gầy yếu, anh đã cầm lấy tay Người và khóc. Ba tôi ôm lấy anh an ủi: “Đừng khóc con. Ba còn sống đây mà!”. Rồi người nói tiếp: “Đời ba chỉ khóc có hai lần. Lần anh Quang hy sinh và khi được tin Bác Hồ qua đời”. (Quang là tên Việt của anh Arinha Xuphanuvông- con trai cả của Chủ tịch Xuphanuvông. Các con của Chủ tịch Xuphanuvông đều được Bác Hồ đặt tên Việt gồm Quang, Minh, Chính Đại, Trung, Thành…).
Có một hôm, ba tôi dậy rất sớm, đánh thức tôi và hỏi: “Con có biết hôm nay là ngày gì không?”. Tôi đang ngơ ngác thì Người nói: “Hôm nay là ngày 19 tháng 5. Con đi mua hoa tươi, trái cây về để thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ”.
Giờ đây ba tôi không còn nữa. Má tôi tuổi cao, sức yếu, khi tỉnh, khi mê, nhưng không bao giờ thừa nhận rằng Bác Hồ và ba tôi đã qua đời. Má hay hỏi: “Sao không thấy đưa má đi Hà Nội thăm Bác Hồ”. Rồi lại hỏi: “Ba làm gì trong Hò Khăm mà lâu về thế”. (Hò Khăm là cung điện Vàng của Hoàng gia Lào- nay là Dinh Chủ tịch nước)
Ba tôi mất đã hai năm rồi, nhưng má cứ hỏi: “Đã có đứa nào đưa cơm vào cho ba ở trong bệnh viện chưa?”. Chúng tôi nói dối: “Thưa, rồi ạ”. Mỗi lần má day dứt bần thần thương nhớ hỏi ba đi đâu, các anh chị tôi nói dối: “Ba đi công tác xa”. Má không chịu, cứ hỏi hoài, tim tôi đau nhói. Và tôi nói câu này má tôi chịu ngay, bà vui vẻ nằm xuống thiu thiu ngủ. Đó là câu trả lời: “Ba cùng chú Bảy (đồng chí Cayxỏn Phômvihản) và Bộ Chính trị đang họp ở Xavẳn…” (Xavẳn là tên gọi tắt của tỉnh xavẳnnakhệt. Tiếng Lào Xavẳn là Thiên đường. Xavẳnnakhệt là cửa ngõ Thiên đường).
Mối tình thuỷ chung của ba má tôi dài hơn nửa thế kỷ. Và cũng đã hơn nửa thế kỷ gia đình tôi gắn bó với Việt Nam. Bây giờ ba tôi không còn, má tôi nhớ ba, nhớ quê hương, bà thường mở băng nhạc nghe những giai điệu dâ ca Việt Nam rồi lặng lẽ khóc. Còn chúng tôi vẫn yêu quê ba, gắn bó với quê má. Mối tình sắt son đó hẳn sẽ đằm thắm đến muôn đời.
Trần Công Tấn ghi

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

ứng dụng khcn
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay5,942
  • Tháng hiện tại55,066
  • Tổng lượt truy cập644,759
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây