Tôi gặp Thoong Phị-la-vông, một người Lào gốc Việt khi anh theo đoàn Hội Đồng hương Việt kiều Xiêng-khoảng sinh sống tại thủ đô Viêng Chăn hành hương về báo công với Bác tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn. Chuyến gặp tình cờ ấy, tôi đã quyết sang đất Lào tìm anh.
Thoong Phị-La-Vông dáng tầm thước, gương mặt phúc hậu, dễ mến, lịch lãm trong bộ trang phục cựu chiến binh Lào, ngực gắn đầy những huy chương. Mái tóc thoảng điểm sợi bạc chải miết sang trái và đôi mắt đượm phớt một nét gì đó rất dung dị. Mấy cái nếp nhăn nơi khóe mắt kéo dài mỗi khi anh cười. Anh sinh năm 1952 tại tỉnh Khỏn-kèn thuộc Đông Bắc Thái Lan. Năm tám tuổi, Thoong Phị-la-vông theo mẹ cùng dòng người hồi hương theo tiếng gọi của Bác Hồ về xây dựng đất nước. Về Việt Nam anh được đặt tên là Hoàng Diểu. Học hết cấp ba tại thành phố Nam Định, rồi vào làm công nhân nhà máy dệt. Thời gian ấy anh cưới chị Nguyễn Minh Hiền người cùng phân xưởng. Hai người mê nhau qua một lần hội diễn tiếng hát công nhân. Những năm cực kỳ khó khăn bởi đất nước vừa trải qua cuộc chiến tranh giành thống nhất Bắc Nam, hai vợ chồng nai lưng làm vẫn không đủ ăn. Năm 1980, anh chị sinh cháu đầu lòng Hoàng Anh Anh, 1983 sinh thêm cháu Hoàng Hà. Hai niềm vui khôn tả, nhưng cũng thêm gánh nặng cho cái gia đình công nhân nho nhỏ thời bấy giờ. Thế rồi tai họa ập đến bất ngờ, cháu Hoàng Anh Anh mất khi chưa đầy năm tuổi. Gia đình suy sụp, mấy năm sau lại mới sinh thêm cháu Hoàng Hùng. Năm miệng ăn cộng thêm mẹ già tàn tật buộc Hoàng Diểu phải “động não”.
Hành trình và nước mắt
Đã bao lần anh hỏi mẹ, bố mình là ai? Hiện ông ở đâu? Cớ sao ông bỏ mặc mẹ con bơ vơ cực khổ. Hồi lên tàu về Việt Nam, mẹ anh đã bị tai nạn và phải cưa mất một chân khi đang còn son trẻ. Vậy là từ cái cơ cực này thêm vào cơ cực khác. Tuổi thơ anh được học hành đầy đủ từ mái trường xã hội chủ nghĩa. Anh thuộc lòng những bài thơ của các nhà thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Nam Giang… Có lúc anh còn dí dỏm liên hệ bài thơ “Con cá chột nưa” của nhà thơ Tố Hữu với sự đời và anh nói rằng hồi còn học phổ thông, anh ấn tượng nhất chuyện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước khi Người chỉ có hai bàn tay trắng. “Bác đã quả quyết và giơ hai bàn tay lên: Tiền đây!” Câu chuyện của Bác Hồ ám ảnh anh mãi và thành động lực cho anh quyết chí sang Thái Lan tìm bố, trong khi nhà anh rất nghèo. Anh nghĩ, đất nước mình đã hòa bình thống nhất rồi, mình ra đi chỉ với một niềm hạnh phúc riêng tư nho nhỏ là được nhìn thấy mặt bố, muốn có một người bố như bao người khác trên đời.
Bố anh là một thương gia người Trung Quốc định cư ở Thái Lan, ông say sưa kiếp lãng du kinh doanh khắp đất Thái. Khi mẹ anh sinh anh thì ông còn mải miết với những thương vụ và chưa hề được nhìn mặt con. Đến lúc đã trở thành tỷ phú ông mới quay về tìm vợ con thì đã không còn thấy ai. Ông đi khắp các tỉnh Đông Bắc Thái Lan tìm hỏi và chỉ biết là năm mẹ con đã theo đoàn Việt kiều hồi hương. Đất nước Lào giải phóng, ông từ Thái Lan sang xin Chính phủ Lào cho phép đầu tư xây dựng khách sạn năm sao đầu tiên ở Nam Lào. Sau này nghe phong thanh là bố anh còn sống, Hoàng Diểu đã quyết đi tìm bố bằng được. Nhưng hai cha con anh như mặt trăng và mặt trời. Hoàng Diểu sang tới Thái thì ông lại đã ở Nam Lào. Hoàng Diểu xuống Nam Lào thì ông lại đã ở bên Thái. Đến lúc anh không còn tiền để đi lại đành phải quay về Nam Định. Trở lại với cuộc sống lam lũ nơi phố dệt đông đúc cùng hai đứa con nheo nhóc đói khổ một thời gian, Hoàng Diểu lại quyết tâm tìm cha một lần nữa. Lần này anh bàn với vợ cầm cố ngôi nhà để lấy mấy cây vàng lên đường sang Lào. Trước hết, mình phải tìm một việc gì đó để tồn tại thì mới có điều kiện tiếp tục tìm bố, anh nghĩ. Ban đầu anh thuê một căn gác xép nhỏ, chật chội ở góc chợ Đông Pa-Lan tại thành phố Viêng-Chăn. Ở đây có rất nhiều người Việt sa cơ lỡ vận tha hương. Ngày đi làm thuê đủ nghề, tối về chui rúc vào cái chảo lửa về mùa hè, lạnh giá về mùa đông. Buổi tối anh mua sách tranh thủ tự học tiếng Lào. Qua gần một năm, anh đã có thể sử dụng tiếng Lào thành thạo, lúc này anh lại quyết tâm đi tìm bố.
Vẫn là “mặt trăng” và “mặt trời”, anh vừa xuống đến Nam Lào xa gần nghìn cấy số thì có người bảo ông đã đi Viêng Chăn. Anh lại tức tốc quay về thủ đô Viêng Chăn và biết bố anh đang ở trong một khách sạn hạng sang, anh phải nhờ người trong vai một thương gia đến để ký kết hợp đồng. Liên hệ mãi, ông bố cũng chỉ cho người giúp việc ra tiếp chuyện, mãi vài ngày sau ông mới xuất hiện. Lúc đó vừa trọn năm năm, kể từ ngày anh đặt chân sang đất Lào tìm bố. Ngay từ cái nhìn đầu tiên anh đã có một cảm giác khó tả chạy ran khắp người. Một linh cảm về tình phụ tử thiêng liêng mà anh phải cắn chặt môi mới không thốt thành lời. Anh đã kịp trấn tĩnh. Anh mải ngắm nhìn con người vô tâm này đã để “giọt máu” của mình lưu lạc suốt hơn ba mươi năm qua. Chính con người này đã để mẹ con anh phải trải qua những ngày tháng cùng cực thiếu vắng người cha. Chính con người này mà anh đã phải bán cả gia tài lầm lũi tìm kiếm suốt 5 năm trên xứ người; lam lũ, không ai thân thích, không nơi nương tựa. Nhưng cuối cùng anh cũng đã thốt lên trong nghẹn ngào nước mắt: Cha! Cha ơi con nhớ cha lắm, ngày nào con cũng đi tìm cha, con mong có cha. – Lúc ấy Hoàng Diểu chỉ thông thạo tiếng Lào, một số âm Thái, anh vẫn chưa rõ lắm, phải nhờ người đi cùng phiên dịch lại.
Những tưởng nhà tỷ phú có chút mủi lòng, nhưng ông gạt ngay và tỏ ra rất nghi ngờ. Một “thương gia” đến từ Việt Nam mà khóc lóc thế này thì không thể ký kết các hợp đồng làm ăn. Ông khoát tay ra hiệu cho thư ký tiễn khách.
Nghị lực Việt
Hoàng Diểu ra về trong nỗi thất vọng và tủi hờn não nề. Suốt mấy hôm liền anh nằm vật vã tưởng như tuyệt vọng. Mình đã tốn bao công sức để rồi thất bại cay đắng, không còn chút hy vọng. Anh có cần gì sự giầu sang phú quý nơi ông. Cái anh cần là tìm lại bố để thông báo với mẹ anh rằng, bố anh nay vẫn còn sống và anh cũng có bố như bao người khác. Thế thôi!
Trở về lại căn gác xép, nỗi buồn tủi và giận hờn đan xen làm anh càng tiều tụy và định bụng trở về. Nhưng anh lại nghĩ, ngôi nhà đã cầm cố, trở về như thế này lấy tiền đâu mà chuộc lại. Mà mình thảm hại thế này sẽ là gánh nặng cho cả nhà, trong khi vợ con nheo nhóc, mẹ thì bệnh tật già yếu. Thế là anh quyết tâm ở lại Viêng Chăn. Anh gom góp những đồng tiền kiếm được trong những chuyến làm thuê để mua một bộ đồ cắt tóc. Hàng ngày kiếm ăn bằng nghề này cũng đủ ăn và tiết kiệm được đôi chút. Thỉnh thoảng có vài ông khách mách bảo những ngôi nhà, miếng đất cần bán, là anh môi giới cho những người khác. Anh say sưa với công việc này từ năm 1992 đến 1997, để rồi cũng dành dụm được kha khá lưng vốn. Lúc này, anh mới quyết định trở về Nam Định đón vợ con cùng sang.
Khỏi phải nói hết những kham khổ cơ cực nơi đất khách quê người, vật lộn với miếng cơm manh áo, và… cuộc đời đã mỉm cười với anh khi Chính phủ Lào cho phép anh mua một trăm héc ta đất rừng hoang hóa, cách thủ đô Viêng Chăn chừng 70 cây số để làm trang trại. Hàng ngày vợ chồng anh chở nhau trên chiếc xe máy tòng tọc ra đi từ mờ sáng, phát, cuốc, đốt, dọn cho đến tối mịt mới về. Sau đó anh về quê Nam Định thuê thêm nhân công sang cùng làm. Cứ thế, khi hình hài của một trang trại đã bắt đầu nhú mầm, Hoàng Diểu làm thủ tục vay vốn để đầu tư. Cũng may vì làm nghề cắt tóc mà anh quen được nhiều quan khách của Chính phủ Lào thường lui tới cắt tóc. Tình cờ, ngài Khăm-pan Phị-la-vông, lúc ấy là Tỉnh trưởng tỉnh Bô-ly-khăm-xay đến cắt tóc, nhiều lần tỉ tê, hai người tâm đầu ý hợp kết nghĩa anh em. Từ đó Hoàng Diểu có cái tên Lào là Thoong, lấy họ Phị-la-vông cùng họ với ngài Khăm-pan Phị-la-vông và nhập Quốc tịch Lào. Những năm ấy, ngoài những điều may mắn, anh còn có hai vinh dự lớn trong đời là đã từng cắt tóc cho đương kim Chủ tịch nước Nu-hắc Phôm-sa-vẳn và nguyên Chủ tịch nước Su-pha-nu-vông. Để ghi ơn đất nước Lào, quê hương thứ ba nơi gia đình anh định cư, anh đã đặt tên cho các con với những cái tên Lào đáng yêu như Hoàng Hà thành Sỷ-đà Phị-la-vông, Hoàng Hùng thành Sổm-bun Phị-la-vông và bé Kỳ Diệu mới sinh thêm sau này tại Viêng Chăn là Bua-khăm Phị-la-vông. Riêng Bua-khăm, cả nhà vẫn thường gọi yêu là Nủ, nghĩa là con chuột nhắt đáng yêu.
Khi Hoàng Diểu đã xây dựng được trang trại một cách quy mô bề thế, và trực tiếp mục sở thị trang trại của anh, các đồng chí lãnh đạo Trung ương Lào đã quyết định cho anh được vay vốn một cách bình đẳng như mọi công dân Lào khác và cho phép anh mua thêm một nghìn hai trăm héc ta đất rừng nữa. Chính phủ Lào rất khuyến khích mọi thành phần tham gia đầu tư vào Lào, miễn là nhà đầu tư phải cam kết tạo thu nhập cho người dân trong vùng, mở mang và nâng cao đời sống người dân, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội và giữ môi trường, trang trại của Hoàng Diểu lại hội đủ những tiêu chí ấy.
Khi đã vay được vốn đầu tiên, anh mở con đường nối từ quốc lộ 13 vào trang trại, rồi xây dựng trạm điện. Trong vùng trang trại có hơn sáu mươi hộ dân thuộc bộ tộc Lào Thơng quanh năm thiếu đói và quen nghề đốt rừng tra hạt, anh đã kết nạp họ trở thành thành viên trồng rừng và trả lương cho bà con. Một trăm phần trăm hộ ở nhà lụp xụp, rách nát được anh xây cho mỗi hộ một ngôi nhà khá khang trang trị giá bảy ngàn đô la, rồi kéo điện về tận nhà, cho giống trồng rau, nuôi bò và bao tiêu sản phẩm. Mỗi tháng anh còn chu cấp cho mỗi khẩu mười lăm cân gạo, mỗi hộ hai trăm ngàn kíp, mỗi ngày hai mươi lít nước sạch. Theo đó kêu gọi xây dựng trường học cho trẻ, người ốm đau được anh giúp đi chữa bệnh. Dần dà những người có thói quen phá rừng trước đây đã trở thành người giúp anh giữ rừng.
Hôm tôi cùng anh vào trang trại, trên đường đi, những người dân bản Nỏng-bua thấy xe anh, mọi người đều giơ tay vẫy chào. Từ trẻ nhỏ đến người già, nhiều người chạy đến xin được bắt tay anh và anh phải mất rất nhiều thời gian dừng lại hỏi han từng người. Ngày nào cũng lên với họ mà ngày nào cũng thân mật đon đả như vậy. Họ coi anh như vị cứu tinh của bản. Ngài Khăm-mừng Phông-thạ-đi, Tỉnh trưởng tỉnh Viêng Chăn (ở Lào có hai địa danh trùng tên là tỉnh Viêng Chăn và thủ đô Viêng Chăn) nói với tôi, người như anh Thoong Phị-la-vông ở Lào rất quý, khi anh làm trang trại, tỉnh chúng tôi được nhiều cái lợi, thứ nhất anh đã đem lại một môi trường thanh sạch, cải thiện nâng cao đời sống người dân nơi đây, rồi còn mở mang dân trí. Thứ hai đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, vì người dân no đủ họ sẽ không còn phá rừng, không trộm cắp và không di dịch cư tự do…
Ngài Khăm-mừng tỏ ra rất khâm phục và ông còn cho rằng, “nhờ có trang trại của Thoong Phị-la-vông mà tỉnh Viêng-Chăn trở thành điểm đến của du khách nhiều quốc gia, đây là niềm tự hào cho tỉnh chúng tôi. Trước đây, người nước ngoài chỉ biết thành phố thủ đô Viêng Chăn mà không biết rằng bên cạnh đó còn có tỉnh Viêng Chăn chúng tôi”.
Dạo trong rừng cây trầm hương của Thoong Phị-la-vông phải đi bằng ô tô hết nửa buổi. Bà Hoàng Diệu Tuyết, một du khách Việt Nam, nguyên là cán bộ Hội Nông dân Việt Nam, đặc biệt ngỡ ngàng trước sự hoành tráng, bề thế và quy mô, quy củ của một đại trang trại dưới sự điều khiển của Thoong Phị-la-vông – con người đầy nghị lực, bản lĩnh và cũng đầy nhân hậu. Theo đánh giá của các nhà kinh tế thì đại trang trại này ước tính trị giá tài sản hơn trăm triệu đô la Mỹ.
Tôi thực sự choáng ngợp trước bạt ngàn “rừng trầm hương” đã cao vút, mỗi cây đều chi chít những nốt sần tụ trầm. Trên các khu đồi, trầm hương được trồng thành những hàng lối, liên tiếp nhau rất đẹp và sạch, tạo một khu nghỉ dưỡng sinh thái sang trọng. Trên mỗi đồi trầm anh còn xây những ngôi biệt thự đầy đủ tiện nghi cho du khách viếng thăm. Thoong Phị-la-vông cho biết, cả khu rừng trầm này có hơn sáu trăm ngàn cây và bắt đầu khai thác. Trước khi chúng tôi đến, anh vừa cho công nhân tiêm kích thích tạo trầm lên các cây gió bầu. Đồng hành với cây trầm, anh trồng hơn bốn trăm héc ta cây bạch đàn đã cao vút. Anh còn tạo các hồ nuôi cá với tổng diện tích hơn 50 héc ta. Cá nặng chục cân nhưng chỉ để ngắm chứ không bán. Để giữ rừng tốt, anh mở hàng chục km đường vừa tạo giao thông nội vùng vừa làm đường băng cản lửa khi cần thiết. Trên các đỉnh đồi, anh xây hàng chục bể chứa nước mỗi bể có thể tích bốn mươi mét khối để phục vụ tưới và phòng hỏa. Đối với cây trầm, anh liên kết với đối tác Malaysia xây dựng hệ thống bốn mươi lò chưng cất tinh dầu nhằm bao tiêu nguyên liệu cho người trồng gió bầu trên toàn lãnh thổ Lào; liên kết với Đài Loan chế biến búp lộc lá thành trà trầm xuất khẩu. Theo anh, cây gió bầu là loại cây đặc biệt quý hiếm, cho giá trị kinh tế rất cao nhưng phải biết kỹ thuật chăm sóc và đầu tư. Nó được xây dựng trên cơ sở chỗ dựa đơn giản đó là rừng hoang và nông dân. – Anh nói. Cuối năm này anh sẽ cho phá hệ thống lò cũ để xây một trăm lò chưng cất mới với công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. “Được biết, giá một lít tinh dầu trầm hương loại tốt nhất được bán tại thị trường Lào là mười tám ngàn đô la Mỹ. Loại kém phẩm nhất cũng đã là bảy đến tám ngàn đô. Còn trên thế giới lại được chào bán với giá từ năm mươi đến bảy mươi ngàn đô la một lít”. – Thong Phi-la-vông nói.
– Bí quyết nào anh thành đạt nơi xứ người? – Tôi hỏi.
– Có hai cú hích, đó là không nơi nương tựa và bị nhiều người coi khinh vì mình quá nghèo, thứ nữa tôi muốn cho bố tôi biết, tôi tìm ông không phải để thừa hưởng cái gia tài kếch xù của ông. Còn một điều quan trọng nữa là vợ tôi luôn ủng hộ và tôn vinh chồng, tôi không muốn vợ con tôi phải khổ.” – Thoong Phị-la-vông trả lời không do dự.
Tôi nhìn sang chị Nguyễn Minh Hiền, nhưng chị không chịu trả lời phỏng vấn của nhà báo, chị quả quyết, anh Thoong nói là được rồi.
Tôi biết, chị muốn nói tất cả mọi điều chị đều gửi gắm ở người chồng, nhưng chính chị là chỗ dựa vững chắc cho anh thành đạt.
Nụ cười của sự thành đạt
Sau này khi biết anh đã trở thành tỷ phú đất Lào, bố anh mới triệu anh về nhận con và giao cho một ít vốn, lúc ấy ông cũng bắt đầu bị phá sản. Nhưng dẫu sao ông cũng đã cho Thoong Phị-la-vông một “giáo trình cuộc đời” để biết vươn lên. Cũng chính vì tin tưởng năng lực trồng và giữ rừng của anh mà Chính phủ Lào đã trao cho anh trông giữ thêm mười nghìn héc ta rừng đầu nguồn. Đại trang trại của anh đã nổi tiếng bởi cái tên Công ty Phát triển Nông lâm nghiệp Viêng Chăn và đã đón hàng trăm lượt khách trong và ngoài nước Lào đến thăm quan học tập. Không còn cuộc sống lam lũ thiếu đói như trước đây, hàng ngày Hoàng Diểu rong ruổi trên chiếc ô tô đời mới từ Viêng Chăn lên thăm rừng. Trong nhà hiện có chín xe ô tô, theo anh bây giờ nó chỉ là phương tiện thôi… Còn bản Nỏng-bua thuộc huyện Phôn-hông tỉnh Viêng Chăn thì từ năm 1999 đến nay, cả bản người Lào Thơng sáu mươi hộ nhà tranh vách nát nay đã ngói hóa xi măng trăm phần trăm. Bà con lại có điều kiện mua sắm xe cộ phương tiện: xe công nông, xe máy, nhà nào cũng có ti vi, con em đều được học hành, người ốm đau đều được chữa bệnh… nhờ anh đem lại. Chính vì thế người bản Nỏng-bua coi anh như là vị cứu tinh của họ.
Anh mời tôi về ngôi nhà của anh giữa lòng thủ đô Viêng Chăn. Trong nhà, tôi thấy đầy những huân, huy chương, bằng khen, giấy khen do các cấp Đảng chính quyền từ trung ương, các bộ ngành và các tổ chức đoàn thể Lào trao tặng. Trên ngực áo anh, bộ trang phục cựu chiến binh Lào cũng đầy những huân, huy chương ấy. Nổi bật là tấm Huân chương Lao động hạng Nhất do Đảng và Nhà nước Lào trao tặng anh năm 2008; rồi các bảng vàng vinh danh do Đảng và Nhà nước Lào, các tổ chức xã hội như Hội Khuyến học, Hội Cựu chiến binh trung ương, Ủy ban thể thao Quốc gia Lào và Tổng hội Việt kiều tại Lào trao tặng.
Tôi biết, những người như anh chính là những nhân tố rất cụ thể, đang cống hiến một cách thầm lặng, hữu ích và thiết thực, tạo chất keo kết dính vững bền cho mối tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt – Lào.
Tại ngôi nhà của anh, mỗi tối thứ Sáu đều là buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Đồng hương Việt kiều Xiêng-khoảng. Anh nói, bà con Việt kiều sinh sống tại Xiêng-khoảng rất trung thành với đường lối của Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính vì thế gia đình anh đã dành một gian nhà và cái sân rộng cho câu lạc bộ Việt kiều đồng hương Xiêng-khoảng duy trì các buổi sinh hoạt. Mỗi lần bà con tụ tập sinh hoạt, tâm sự, sẻ chia là anh luôn thấy hình ảnh tuổi thơ của mình, thấy hình ảnh đất nước Việt Nam yêu thương. Anh dành tâm huyết cho việc này là để lớp người Lào gốc Việt thế hệ mới này luôn nhớ rằng trong mình có dòng máu Lạc Hồng; có nghị lực Việt dù mình mang quốc tịch nào. Anh cũng luôn truyền cảm hứng cho mọi người rằng, cho dù kiếm sống có khó khăn đến mấy, nghĩ về nghị lực và tấm gương Hồ Chí Minh chúng ta sẽ vượt qua. Vì thế, anh em làm ăn thành đạt ở bên này quyết tâm về báo công với Bác tại quê nhà Kim Liên, Nam Đàn.
Hôm ở Kim Liên, quê Bác, trước anh linh của Người, anh đã thốt lên nghẹn ngào:
– Con đã làm theo lời Bác dạy, Bác ơi! Nghề của con là trồng rừng, mà Bác đã từng dạy “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; Vì lợi ích trăm thì phải trồng người” nay tâm nguyện ấy con đã và đang làm trọn. Chính phủ Lào đã nhất trí dự án trồng hàng ngàn héc ta rừng dọc biên giới Lào – Việt, các nhà đầu tư sẽ cùng chung tay góp sức để vừa giữ gìn môi trường vừa bảo vệ biên giới hữu nghị hai nước chúng ta.
Và những lần lắng nghe lời kể của hướng dẫn viên Khu Di tích Lim Liên, tôi lại thấy nước mắt anh chảy trào. Dòng nước mắt của người con xa xứ trở về dưới mái nhà Bác thật là rưng rưng!
Lang Quốc Khánh
Ý kiến bạn đọc