Mekong ASEAN: Sau thời gian nhậm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Lào tại Việt Nam, xin Đại sứ chia sẻ cảm nhận của mình về Việt Nam?
Đại sứ Khamphao Ernthavanh: Sau hơn một tháng nhậm chức, được làm việc ở Hà Nội và một số tỉnh của Việt Nam, tôi cảm thấy rất thoải mái như đang được làm việc tại đất nước của tôi vậy. Việt Nam có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, có nhiều dân tộc với những đặc trưng văn hóa riêng, tạo nên nền văn hóa phong phú, đa dạng hấp dẫn và lôi cuốn.
Con người Việt Nam sống rất tình cảm, yêu gia đình và yêu đất nước. Người Việt Nam coi trọng tình cảm, sự đoàn kết và sự quan tâm giúp đỡ lẫn nhau. Ngoài ra, điều thấy rõ là người Việt Nam rất chăm chỉ, có sự sáng tạo trong công việc không kể việc chung hay việc riêng.
Tôi nhận thấy rằng văn hóa Việt Nam và con người Việt Nam còn có những đặc điểm nổi bật khác cần được nghiên cứu và học tập. Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ với tư cách là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Lào tại Việt Nam, tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu văn hóa cũng như con người Việt nam sâu hơn, tiếp tục thúc đẩy và trao đổi truyền thống văn hóa tốt đẹp giữa hai nước, hướng tới phát huy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào ngày càng đơm hoa kết trái hơn nữa.
Mekong ASEAN: Một trong những sự kiện ngoại giao nổi bật diễn ra vào tháng 4/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, ngay sau khi ông được bầu làm Chủ tịch nước CHXNCN Việt Nam, đã chọn Lào là nước thăm chính thức đầu tiên, đặc biệt là chuyến thăm diễn ra vào ngay trước Tết cổ truyền của dân tộc Lào, xin cho biết cảm nhận của Đại sứ về mối quan hệ khăng khít giữa hai quốc gia?
Đại sứ Khamphao Ernthavanh: Trước tiên, tôi cảm thấy rất tự hào khi được Ngài Võ Văn Thưởng chính thức chọn Lào là điểm đến thăm đầu tiên ngay sau khi nhậm chức Chủ tịch nước Việt nam. Đó là sự khẳng định tầm quan trọng cao nhất của Việt Nam dành cho nước Lào, khẳng định sự gắn bó chặt chẽ, tình hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào. Mối quan hệ này chỉ có một không có hai trên thế giới.
Trong chuyến thăm này, Chủ tịch hai nước Lào và Việt Nam đã gặp gỡ trao đổi, đánh giá lại sự hợp tác giữa hai Đảng, hai Chính phủ trong thời gian qua. Bàn bạc và xây dựng đường lối, chính sách và biện pháp để thúc đẩy sự hợp tác toàn diện trở thành hiện thực và có hiệu quả thiết thực cho nhân dân hai nước; Tiếp tục ủng hộ lẫn nhau trong khu vực và quốc tế.
Mới đây, ngày 6/1/2024, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tiếp Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhân dịp Thủ tướng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Lào thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì kỳ họp 46 Ủy ban liên chính phủ Việt Nam - Lào.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tiếp Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone tại Hà Nội, ngày 6/1. Nguồn: TTXVN. |
Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Sonexay Siphandone sẽ tạo ra xung lực mới, mang lại kết quả thực chất tương xứng với mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào.
Mekong ASEAN: Trong bối cảnh hiện nay, năng lượng tiếp tục là một trong những lĩnh vực thu hút sự quan tâm đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Lào. Đại sứ có đánh giá thế nào về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này?
Đại sứ Khamphao Ernthavanh: Ngành năng lượng là một trong những ngành kinh tế tiềm năng của Lào, được Chính phủ Lào nghiên cứu và xây dựng nhiều văn bản pháp luật nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này, để làm sao được thuận tiện, đáp ứng được tình hình trong từng thời kỳ.
Mặc dù tình hình thế giới trong thời gian qua diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế thế giới nói chung cũng như kinh tế Lào nói riêng, Lào vẫn có tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng. Trong đó, Lào và Việt Nam vẫn đang tiếp tục triển khai Hiệp định hợp tác phát triển các dự án điện và khoáng sản mà Chính phủ hai nước Lào và Việt Nam đã ký ngày 24/1/2019 tại thành phố Vientiane.
Tôi đánh giá cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực năng lượng của hai nước chúng ta trong suốt thời gian qua. Cho đến nay, các dự án điện lực của Lào đã bán được khoảng 2.689 MW điện cho Việt Nam, mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 là 3.000 MW.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký 18 hợp đồng mua bán điện (PPA) để mua điện từ các dự án thủy điện tại Lào với tổng công suất sản xuất đạt 2.180 MW. Trong đó, có 3 dự án thuộc sở hữu của nhà đầu tư Việt Nam (Xekaman 1, Xekaman 3, Xekaman Sanxay với tổng công suất sản xuất đạt 572 MW).
Kế hoạch năm 2024, Bộ Công Thương Việt Nam sẽ tập trung hướng dẫn EVN đàm phán với Công ty TNHH Điện lực Xekaman 3 để nhanh chóng hoàn thành việc điều chỉnh giá mua bán điện từ Nhà máy điện Xekaman 3 trong quý 1/2024, bàn giao cho Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, hoàn tất việc ký phụ lục hợp đồng BOT về việc điều chỉnh dự án nhà máy điện Xekaman 3 trong quý 2/2024.
Dự án Thủy điện Xekaman 3 tại huyện Dak Cheung, tỉnh Sekong, Lào. |
Bộ Năng lượng và Mỏ Lào và Bộ Công Thương Việt Nam cũng thường xuyên trao đổi, cập nhật các thông tin liên quan đến vị trí, tiến độ, quy mô, công suất sản xuất và dự kiến phương án đấu nối các dự án điện tại Lào để giới thiệu chào bán điện cho Việt Nam.
Mekong ASEAN: Tiềm năng phát triển quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Lào được đánh giá là vẫn còn rất lớn. Trong năm 2024, theo Đại sứ, hai nước sẽ có biện pháp gì để tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, cũng như quan hệ giao thương giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên hơn nữa?
Đại sứ Khamphao Ernthavanh: Trong thời gian qua, chúng ta đã thực hiện rất tốt việc hợp tác về thương mại và đầu tư giữa hai nước Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào. Cả hai bên đều thực hiện tốt và có hiệu quả cao, đạt được hiệu quả quan trọng trong nhiều lĩnh vực, góp phần vào việc gìn giữ sự ổn định và sự phát triển của mỗi nước, phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Về đầu tư, hiện có tổng cộng 417 dự án đầu tư từ Việt Nam vào Lào, với giá trị đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD. Trong đó, giá trị đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đạt 680 triệu USD, điện năng đạt 648 triệu USD, khoáng sản đạt 1.040 triệu USD và các lĩnh vực dịch vụ khác đạt 2 tỷ USD.
Đầu tư từ Việt Nam hiện đứng thứ 3/53 nước đã và đang đầu tư tại Lào. Đặc biệt, trong năm 2023, Tập đoàn Vingroup của Việt Nam đã khai trương công ty cung cấp dịch vụ công cộng bằng ô tô điện Xanh GSM, Công ty VietJet mở đường bay thẳng TP HCM - Viêng Chăn...
GSM chính thức khai trương dịch vụ taxi điện đầu tiên tại Lào với thương hiệu Xanh SM. |
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, Chính phủ Lào đã có chính sách khuyến khích đặc biệt để giải quyết từng trường hợp theo chủ trương của Chính phủ hai nước.
Về kinh tế, hai nước đã tập trung triển khai theo khuôn khổ các hiệp định song phương đã ký kết trong từng thời kỳ, trong đó riêng quan hệ thương mại hầu hết được thực hiện trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định thương mại song phương Lào - Việt Nam đã được ký kết vào năm 2015.
Cụ thể, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đến cuối năm 2023 đạt xấp xỉ 1.461 triệu USD, tăng 1,27% so với cùng kỳ năm 2022. Điều đó cho thấy, trong suốt thời gian qua, mối quan hệ hợp tác thương mại giữa Lào và Việt Nam không ngừng phát triển.
Để củng cố hợp tác về mặt kinh tế, thương mại và đầu tư, cũng như mối quan hệ trong mọi lĩnh vực kinh tế và doanh nghiệp của hai nước thêm sâu sắc và có hiệu quả cao hơn trước, trong năm 2024 này, tôi có ý kiến thêm rằng:
Cần tiếp tục thúc đẩy, gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm giữa lãnh đạo cấp cao, cấp bộ, cấp ngành cả hai bên trong mọi đề tài để nắm được tình hình lẫn nhau. Tổng kết, đánh giá lại kết quả trong việc tổ chức thực hiện từng giai đoạn và cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc trong kinh doanh.
Tăng cường tổ chức hội nghị doanh nghiệp để hai bên gặp gỡ, trao đổi để nắm được vấn đề những khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư ở Lào và tìm cách giúp đỡ họ để việc hoạt động kinh doanh có hiệu quả hơn.
Tăng cường các diễn đàn gặp gỡ trao đổi giữa các doanh nghiệp bằng cách tổ chức các hội thảo về thương mại và doanh nghiệp của hai nước, tổ chức triển lãm hàng hóa giữa hai nước.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp của hai nước được hợp tác đầu tư trong các ngành mà hai nước có tiềm năng. Thúc đẩy sự qua lại lẫn nhau giữa nhân dân hai nước để khuyến khích ngành du lịch hai bên cùng phát triển.
Xin cảm ơn những chia sẻ của Đại sứ!
Nguồn tin: mekongasean.vn
Ý kiến bạn đọc