Đoàn được Hội CCB các tỉnh Bắc Lào đón tiếp trong bầu không khí ấm áp, thắm tình Lào Việt
Đoàn CCB Ban Liên lạc Mặt trận 379 sang Lào gồm 28 thành viên, trong đó có hai người là vợ của CCB Lang Sỹ Hiệp trú huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An và vợ CCB Hoàng Minh Việt, trú TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.
Ngay khi đặt chân đến Cửa khẩu quốc tế Tây Trang sang Cửa khẩu quốc tế Panghok của Lào, đoàn đã được lãnh đạo Hội CCB tỉnh Phongsaly đón tại Cửa khẩu, có xe cảnh sát tháp tùng. Vượt hơn 300 cây số đường rừng, đoàn đến thị xã Boun Neua, tỉnh lỵ Phongsaly khoảng 8 giờ tối, phía bạn vẫn đang đợi, tiếp đón rất thân tình. Trong hành trình của mình, đi đến đâu, đoàn cũng được phía bạn bố trí xe cảnh sát dẫn đường và xe lãnh đạo Hội CCB tỉnh tháp tùng. Đặc biệt, đến tỉnh nào cũng được lãnh đạo tỉnh đó đón tiếp, giao lưu. Tại tỉnh Bokeo, tỉnh giáp biên với Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc, phía bạn đã bố trí một tổ gồm công an, quân sự bảo vệ đoàn tại khách sạn. Khi đoàn làm việc tại tỉnh Phongsaly, Thứ trưởng Bộ quốc phòng, Thượng tướng Vongkham Phommakon, trong chuyến công tác tại tỉnh này đã đến giao lưu cùng đoàn; Tỉnh trưởng Phongsaly và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Luang Prabang tiếp thân mật.
Ông Vương Bình Minh, Trưởng Ban liên lạc Mặt trận 379 khu vực Nghệ An-Hà Tĩnh cho biết, trong tình hình xã hội Lào vô cùng căng thẳng, khó khăn, phức tạp; nhất là các tỉnh Bắc Lào, phỉ Vàng Pao và các thế lực thù địch liên tục nổi dậy chống phá cách mạng Lào sau khi nhà nước Lào tuyên bố độc lập ngày 2/12/1975; chúng đã thành lập các ban chỉ huy; ra sức khôi phục những cơ sở bị tan vỡ, lôi kéo thanh niên Lào ra nước ngoài để huấn luyện, đưa các toán biệt kích thám báo từ nước ngoài về hoạt động phỉ; tăng cường khủng bố, đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, chia rẽ nội bộ, chia rẽ tình đoàn kết Lào và Việt nam; nhằm lật đổ chính quyền cách mạng Lào non trẻ.
Trước tình hình đó hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Lào có Quyết định số 423/QĐ-BQP ngày 30/3/1979, Thành lập Bộ chỉ huy Mặt trận 379 trực thuộc Bộ Tư lệnh Binh đoàn 678; lúc đó, đơn vị có Trung đoàn 82 bộ binh, Trung đoàn 184 bộ binh, Trung đoàn 423 và các đơn vị trực thuộc khác. Trước đó, Việt Nam và Lào đã ban hành Sắc lệnh số 63/SL-CTN thành lập Binh đoàn 678 vào ngày 26/8/1978, trực thuộc thuộc Bộ quốc phòng Việt Nam, có nhiệm vụ phối hợp Quân đội Pa- Thết- Lào và nhân dân các dân tộc Lào xây dựng nền kinh tế và nền quốc phòng toàn dân, góp phần tăng cường bảo vệ khối liên minh chiến đấu Việt Nam – Lào; nhằm bảo vệ xây dựng củng cố cơ sở cách mạng Lào và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tuyến biên giới của ba tỉnh Bắc Lào là Phongsaly, Luang Namtha và Oudomxay với phương châm “ giúp bạn là tự giúp mình”, như Bác Hồ từng dạy.
Quán triệt nhiệm vụ tiễu phỉ tại các tỉnh Bắc Lào (Ảnh tư liệu)
Giúp người dân Lào tăng gia sản xuất (Ảnh tư liệu)
Thực hiện quyết định trên, đồng chí Đại tá Nguyễn Ân được cử giữ chức Tham mưu trưởng Binh Đoàn kiêm Tư lệnh Mặt trận 379 (Sau này đ/c Nguyễn Ân về hưu với quân hàm Trung Tướng); Đồng chí Đại Tá Bùi Huy Bổng – Phó trưởng đoàn chuyên gia Quân sự tại Lào làm Chính Ủy (Sau này đ/c Bùi Huy Bổng nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tướng).
Quá trình hình thành Mặt trận 379, Bộ quốc phòng điều động từ các đơn vị bộ binh, các binh chủng khác nhau trên địa bàn từ Bình Trị thiên trở ra trong đó có quân chủ lực của Bộ và một số đơn vị thuộc các Tỉnh đội và Quân khu. Các đơn vị được lần lượt điều động là Trung đoàn Bộ binh 82 của Tỉnh đội Lai Châu (Quân khu 2) cùng một số đơn vị như Tiểu đoàn 31 Trinh sát và các đội cơ sở…
Trung đoàn 825 lúc đầu được hình thành từ Tiểu đoàn 5 của Trung đoàn 82 tách ra và Tiểu đoàn 41 đặc công. Trung đoàn Bộ binh 184 được thành lập ngày 06/10/1976 tại Na Son thuộc Tỉnh đội Sơn La. Trung đoàn bộ binh 423 là đơn vị thuộc Sư đoàn 306 (Quân đoàn 2) được điều động và hành quân từ Cam Lộ, Quảng Trị gia nhập vào đội hình Mặt trận 379. Trung đoàn Bộ binh 749 là đơn vị thuộc Tỉnh đội Hà Nam Ninh cũng nhanh chóng được điều động lên Điện biện và sau đó chuyển quân sang Lào. Các đơn vị trực thuộc khác như Trung đoàn Pháo binh 484, Trung đoàn Công binh 538, các Tiểu đoàn pháo cao xạ, Thông tin, Trinh sát, Quân y cho đến Đại đội 81 kỹ thuật… tất cả hội tụ thành đơn vị binh chủng hợp thành, tề tựu đầu quân cho Mặt trận 379 Quân tình nguyện Việt Nam tại Bắc Lào.
Đứng chân tại nơi đóng quân xưa ở bản Co Noi thuộc huyện Muangxay tỉnh Oudomxay, các CCB ngậm ngùi nhớ những kỉ niệm cách đây gần nửa thế kỷ đi qua đời họ.
CCB Hồ Diên Thởng bâng khuâng nhớ nơi từng gắn bó và những kỷ niệm sát cánh cùng bạn Lào tiễu phỉ
CCB Hồ Diên Thởng trú huyện Quỳnh Lưu trong khi tìm dấu vết đơn vị thì gặp một người dân Lào, một cái duyên trời mách bảo, họ nhận ra nhau; đồng đội năm xưa qua một cái sẹo trên trán. Ông Thởng reo lên, “Mày nhận ra tao hả, vì tao suýt chết trong cái trận đó, tao bị thương trên trán đây này!” Câu chuyện CCB Thởng kể làm mọi người rơi nước mắt khi hai CCB Việt Lào ôm lấy nhau. Trận đó, họ đã phối hợp tiêu diệt một toán lính sơn cước và bắt sống 2 chỉ huy tiểu đoàn địch.
Hôm đó tôi giải chúng về khai thác mới biết chúng là hai Tiểu đoàn phó- Ông Thởng nói.
Không- một tên là Tiểu đoàn trưởng chứ- CCB Lào phân minh, ông Thởng à lên một tiếng, vậy mà hơn 40 năm nay, giờ tôi mới biết.
Rồi lại một câu chuyện cảm động khác nữa, CCB Nguyễn Bá Sửu, trú tỉnh Sơn La, hôm ấy mọi người tưởng ông đi lạc, ai nấy nháo nhác đi tìm, hóa ra, ông lủi vào bản Huoi Dam, huyện Muang Xay tìm người thân. Hơn 40 năm ông không có điều kiện sang lại nên giờ mọi địa hình đã khác, người thân đã mất, chỉ còn con cháu họ. Hỏi mãi thì ông đã tìm được gia đình đã từng cưu mang khi ông bị một trận sốt rừng thập tử nhất sinh. Chị Phone ôm ông Sửu khóc nức nở, ông Sửu cũng khóc, rồi cả đoàn CCB khóc theo.
CCB Lê Đình Quảng, trú Hà Nội, chứng kiến cảnh hội ngộ, ông nói trong nước mắt, tôi nay đã 75 tuổi rồi, tôi chỉ khóc 3 dấu ấn trong đời, đó là khi đồng đội tôi hy sinh; khóc khi bố mẹ tôi không còn và khóc khi chứng kiến cảnh này.
Hôm ấy, CCB Nguyễn Bá Sửu ghé chợ mua cái vòng bạc và khuyên đeo tai, ông nói tôi mua nếu tìm được người thân thì tôi sẽ tặng họ, bởi nếu tặng tiền thì họ sẽ tiêu hết nhưng tặng hiện vật sẽ còn mãi. Vì vậy ông đã luồn cái vòng bạc vào tay chị Phone. Lau nước mắt, chị Phone kể, hồi đó chị là hội viên Hội phụ nữ bản, khi bố chị đưa bộ đội Sửu về nhà chăm sóc, anh ấy không ăn được mấy ngày rồi nên sức khỏe rất yếu. Tôi và anh ấy không biết tiếng của nhau; khi trao đổi tôi chỉ lên đầu nói là có đau đầu không? Rồi chỉ vào ngực hỏi có tức ngực khó thở không?.. Nhà tôi lúc đó rất nghèo không có tiền nên tôi bắt gà vịt đi đổi lấy thuốc và gạo về chăm anh ấy...
Còn CCB Bùi Quốc Thắng thì nhớ thời kì Bệnh viện dã chiến của đơn vị tại bản Huoi Xai, Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Oudomxay là nhân chứng đã được Y sĩ Thắng mổ cách đây 20 năm. Ông bảo đến nay, vết thương lành và không hề có biến chứng hoặc tái phát, tôi cảm ơn bộ đội Việt Nam lắm-Phó chủ tịch Hội CCB Oudomxay nói.
Những câu chuyện kể mãi không dứt.
CCB Nguyễn Bá Sửu tìm được gia đình đã cưu mang mình
Tại một địa danh khác, các CCB Lang Văn Minh (Quế Phong), Mai Duy Toan (Quỳnh Lưu), Đặng Xuân Trung (TP Vinh), Nguyễn Đình Toàn (Sơn La), Nguyễn Đăng Ngữ, Mai Huy Giang, Thái Doãn Nam (Tân Kỳ) chia ra nhiều mũi, luồn trong rừng lau lách rồi thay nhau kể: Đến cuối năm 1980 đội hình của Mặt trận 379 đã cơ bản hoàn chỉnh bao gồm: có 5 Trung đoàn Bộ binh và 2 Trung đoàn kỹ thuật : E82, E184 ,E423, E749, E825 (BB), E 484 (PB) E 538 (CB) Đoàn huấn luyện 28, các Tiểu đoàn các binh chủng trực thuộc và 4 cơ quan Mặt trận gồm: Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Kĩ thuật. Trong giai đoạn này tình hình trên khu vực 6 tỉnh Bắc Lào hết sức phức tạp và căng thẳng, lực lượng phỉ nổi dậy gây bạo loạn, đánh phá các cơ sở kinh tế, uy hiếp chính quyền cách mạng. Ngoài ra ở khu vực Pak Suong, Pak Ou, Na toey, Muang Luang, còn có Quân đoàn 14 của nước ngoài làm đường. Trước sự có mặt của một số đơn vị quân tình nguyện Việt Nam thuộc Binh đoàn 678 và sau này tăng cường các đơn vị của Mặt trận 379; ngày 4/3/1979 các lực lượng giả danh làm đường buộc phải rút quân khỏi các tỉnh Bắc Lào. Đây là thắng lợi mang ý nghĩa lớn đối với cách mạng Lào cũng như chiến lược phòng thủ, ngăn chặn âm mưu của kẻ thù nhằm tiến công xâm lược nước ta từ phía tây.
Đoàn CCB 379 kính cẩn dâng hương tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Việt Nam và Lào tại thị xã Meung Xay, tỉnh Oudomxay
CCB Bùi Văn Tiến (Quỳnh Lưu) Thái Văn Sỹ (Nghi Lộc), Trần Văn Tý (Hưng Nguyên), Phan Đình Long (Hương Sơn) Bùi Quốc Thắng (Can Lộc), Hoàng Minh Việt (TP Hà Tĩnh), Lang Sỹ Hiệp (Con Cuông), Nguyễn Văn Nhơn, Hồ Thân Trúc, Dương Hải Minh, nhớ như in những lần bốc vác, vận chuyển nhu yếu phẩm, đạn dược; những kỷ niệm kề vai sát cánh bộ đội Lào trên chốt.
Trưởng Ban Liên lạc khu vực Nghệ- Tĩnh Vương Bình Minh cho biết thêm: Mặt trận 379 lúc bấy giờ với nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, phối hợp cùng quân giải phóng Lào chiến đấu, truy quét phỉ, giúp bạn củng cố chính quyền, xây dựng kinh tế gắn với quốc phòng; quán triệt tinh thần đoàn kết quốc tế giữa hai dân tộc Lào – Việt Nam. Các CCB lúc đó vừa bước ra khỏi chiến dịch giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước năm 1975, khi họ mới chỉ độ tuổi 18 đôi mươi, nay đến một địa bàn xa lạ về địa hình, ngôn ngữ; rừng sâu, núi thẳm, khí hậu khắc nghiệt, sinh hoạt kham khổ thiếu thốn, nhưng ai cũng hừng hực khí thế vượt lên tất cả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao. Các chiến sĩ đã xây dựng tuyến phòng thủ với hàng ngàn Km đường hào, hàng vạn m3 đất đá xây dựng công sự; xây dựng địa đạo trên điểm cao 1064 đảm bảo cho kế hoạch phòng thủ trước mắt và lâu dài thuộc 3 tỉnh: Phongsaly, Oudomxay, Luang Namtha. Ngoài việc tổ chức các điểm chốt, điểm tựa liên hoàn, còn tổ chức hàng chục đội cơ sở cắm sâu vào các bản làng ở những nơi khó khăn, phức tạp nhất, cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng đồng bào, giúp bà con tăng gia sản xuất.
Những địa danh Muang Khoa, Phu Phaphoung, Oudommxay, Co noy, Muang Sing, Na Mo, Na Toey, Namtha, Na Thong; những tên sông Nam Bak, Nam Noi, Huoi Dam… luôn vang vọng trong tâm trí mỗi người lính. Nhà thơ Ngô Đức Hành với sáng tác “Bài ca Mặt trận 379” đã được Nhạc sĩ Trịnh Ngọc Châu phổ nhạc có đoạn:
“Ôi dòng sông Nậm Bạc Nậm U
Tình nghĩa sắt son hơn Cửu long Hồng Hà
Lời Bác dặn quân tình nguyện Việt Nam
“ Giúp bạn là tự giúp mình ”…….
Người lính Bác Hồ ngã xuống trên đất Chăm Pa
Ba Bảy Chín vinh quang, Ba Bảy Chín anh hùng….”
Gần10 năm làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào, cán bộ chiến sĩ Mặt trận 379 đã 2 lần vinh dự được đón tiếp đồng chí Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Caysone Phomvihane và đồng chí Chủ tịch Souphanouvong đến thăm và động viên tại thị xã Muang Xay, tỉnh Oudomxay. Đến năm 1988 do tình hình Quốc tế và khu vực có nhiều chuyển biến tích cực, Mặt trận 379 được rút về nước, thu gọn thành Sư đoàn 379 trực thuộc Quân khu 2. Một vinh dự cho cán bộ chiến sĩ Mặt trận 379 khi vừa mới đặt chân về mảnh đất Điện Biện lịch sử đã được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến thăm, chúc mừng và biểu dương thành tích của đơn vị trong thời gian qua.
Hôm ghé thăm Trung đoàn Bộ binh 82, trong phòng truyền thống, đoàn CCB Mặt trận 379, Trung tá Vũ Thanh Tuấn, Chính ủy Trung đoàn cho biết, sau gần 10 năm xây dựng, trưởng thành trong liên minh chiến đấu Việt- Lào, Mặt trận 379 đã có hàng trăm cán bộ chiến sĩ được Đảng và Nhà nước Lào tặng Huân chương Giải phóng (Itsala); Nhà nước Việt Nam tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen các loại; Đặc biệt, năm 1983, Trung đoàn Bộ binh 82 Mặt trận 379 đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND). Năm 2015, Trung đoàn vinh dự tiếp tục được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới; 8 Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì, Ba; 242 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Tiểu đoàn 1 (Tiểu đoàn 4 trước đây hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND (1965; 1985); Tiều đoàn 3 (Tiểu đoàn 6 trước đây) được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1973; Đơn vị có 6 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả, năm 1988, đơn vị rút quân về nước, đóng quân trên địa bàn tỉnh Lai Châu cũ (nay là tỉnh Điện Biên). Năm 2013, thực hiện quyết định của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, Trung đoàn Bộ binh 82 được tổ chức lại thành Lữ đoàn Bộ binh 82. Thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; chủ động tiến hành có hiệu quả công tác dân vận, tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh; tích cực tham gia giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội trên vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Cho tới nay Mặt trận 379 còn lại 3 đầu mối đơn vị đó là:Trung đoàn Bộ binh 82, đơn vị 2 lần anh hùng LLVT; Đơn vị kho K79 tiền thân là Phòng kỹ thuật của Mặt trận 379 và Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 379, đơn vị được vinh dự giữ lại phiên hiệu 379 của Mặt trận.
Trong lần gặp mặt nhân 40 năm ngày thành lập Mặt trận 379 tại Quân khu 2, Thiếu tướng Phùng Sĩ Tấn Tư lệnh Quân khu 2 khẳng định: “Đảng và Nhà nước, Quân đội luôn ghi nhớ công lao của cán bộ, chiến sĩ Mặt trận 379 trong những năm tháng xây dựng chiến đấu, giúp đỡ nhân dân các dân tộc Lào, đồng thời khẳng định tình đoàn kết chiến đấu gữa nhân dân Việt nam và Lào sẽ mãi mãi được khắc ghi.”
Ghé thăm Thiếu Tướng Cầm Xuân Ế tại bản Co Púc, xã Chiềng Ngần, TP Sơn La, ông bùi ngùi xúc động nhớ lại ngày đầu di chuyển sang Lào đảm nhận chức Đại đội trưởng rồi Tiểu đoàn Trưởng... ông bảo, nghỉ hưu rồi tôi vẫn còn ba món nợ chưa trả hết, đó là nợ đồng đội, nhiều tình cảm, trách nhiệm với đồng đội tôi chưa làm trọn; thứ hai nợ nhân dân Lào bởi tôi chưa có dịp sang lại để cảm ơn họ đã cưu mang giúp đỡ những người lính tình nguyện Việt Nam và cuối cùng nợ với Đảng vì bản thân đóng góp công sức chưa được nhiều. Hôm nay đồng đội đến thăm, hơn 40 năm nghĩa tình ấy vẫn đậm đà sâu sắc; ông xúc động vì đồng đội nay đều có tuổi nhưng vẫn vượt ngàn cây số ghé thăm ông, đó là liều thuốc tiên để ông sống khỏe, sống vui cùng thú điền viên.
Thăm Thiếu tướng Cầm Xuân Ế tại Sơn La
Về hậu phương, mỗi người một lĩnh vực công tác, có người làm giám đốc như CCB Vương Bình Minh, Phó Giám đốc sở như Hoàng Minh Việt hay trước đây là Chính trị viên một đơn vị như CCB Bùi Danh Canh, trở về Nam Đàn làm nông dân, hay Nguyễn Đình Toàn về Sơn La làm doanh nghiệp vận tải hay như Đặng Xuân Trung, Trần Văn Tý đều về làm nông dân... Nhưng tất cả họ đều canh cánh tình đồng đội, từng chung chiến hào “Đã lên xe không còn tên riêng nữa”, đã hội tụ thì tất cả đồng lòng.
Chị Trần Thị Lý, phu nhân CCB Hoàng Minh Việt viết trên trang cá nhân cho rằng: Mình đi du lịch các: Thái Lan, Singapo, Malaysia, Hàn Quốc, Ý, Đức, Pháp, Mỹ… nhưng chuyến sang xứ sở hoa Chăm Pa cùng Ban liên lạc cựu quân tình nguyện 379, tôi cảm thấy vô cùng tự hào về những anh bộ đội Cụ Hồ năm xưa . Họ trở về với nhiều cương vị công tác khác nhau hầu hết đã nghỉ hưu nhưng khi gặp lại các anh vẫn hồ hởi phấn khởi, mang đậm bản chất anh bộ đội. Mình cảm phục ở các anh bởi đức tính kỷ luật, “quân lệnh như sơn” sinh hoạt rất đúng giờ, từ ăn, ngủ nghỉ, thăm quan… Các anh còn hài hước vui nhộn, lạc quan, làm xua tan hết mệt mỏi khi ngồi xe đường dài. Một chuyến đi đầy ý nghĩa, càng yêu hơn những anh Bộ độ Cụ Hồ.
Hiện nay, Ban Liên lạc Quân tình nguyện Mặt trận 379 Bắc Lào tại tỉnh Nghệ An đã kết nối được 6 Ban liên lạc sinh hoạt tại 6 địa bàn gồm: TP. Vinh và các huyện Nghi lộc, Cửa lò, Thanh chương, Đô lương, Quỳnh lưu, Diễn Châu, Quế Phong, Quỳ Châu và Nam Đàn. Ban liên lạc đã Tổ chức thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Việt – Lào, huyện Anh Sơn, Nghi Lộc; thăm hỏi động viên đồng đội bị bệnh điều trị tại các bệnh viện; thăm hỏi và viếng bố mẹ của đồng đội tại huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Đô lương, Nghĩa đàn. Thăm hỏi chúc tết và chúc mừng thọ các đồng đội lên tuổi 75 và đặc biệt cùng hành hương thăm lại nơi đóng quân tại Lào.
Tại Hà Tĩnh cũng đã có Ban liên lạc các huyện Hương sơn, Đức thọ, Can Lộc. Ngoài ra Ban liên lạc Mặt trận 379 cũng đã kết nối được với ban liên lạc Bình- Trị- Thiên do Thừa thiên Huế chủ trì; các Ban Liên lạc đều hoạt động theo nguyên tắc: Tự nguyện, thắm tình đồng đội, đoàn kết, tương hỗ. Với phương châm “Trọn nghĩa nước non, vẹn tình đồng đội”. Trong những năm qua Ban Liên lạc TP Vinh và các huyện ở tỉnh Nghệ An thường xuyên duy trì sinh hoạt định kỳ một năm một lần vào tháng 3, nhân ngày kỷ niệm thành lập Mặt trận, nhằm tiếp tục động viên, giúp đỡ nhau phát huy truyền thống, bản chất anh bộ đội Cụ Hồ dù ở lĩnh vực, cương vị công tác nào; góp phần đồng hành cùng các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương chăm lo xây dựng và phát triển quê hương, đất nước trong ngày càng giầu đẹp.
Trên chuyến hành hương Xứ Lào trở về, Ban Liên lạc CCB Mặt trận 379 còn giao lưu với Ban Liên lạc CCB Mặt trận 379 các tỉnh Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình trong không khí ấm cúng, thắm tình đồng đội.
Lang Quốc Khánh
Ý kiến bạn đọc